Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Nhật ký một chuyến đi... (10)

Nhật ký một chuyến đi... (10)
14:17 20 thg 7 2011Công khai6 Lượt xem 27
Động Phong Nha

       Hồi trước, đi Tràng An - Ninh Bình cùng bè bạn, thấy em cứ trầm trồ xuýt xoa trước các nhũ đá lung linh kỳ ảo, bạn úp mở:" Sao mà phấn kích thế, nếu đến Phong Nha - Kẻ Bàng thì không biết T sẽ bị kích động đến cỡ nào..." Em mắt tròn mắt dẹt, về search trên mạng, quả thực Phong Nha - Kẻ Bàng có sức hút rất lớn. Em mong sẽ có một ngày được tới thăm nơi đã được công nhận là :" Di sản thiên nhiên và văn hóa lịch sử thế giới" này một chuyến. Và hè năm nay, em đã được toại nguyện. Giờ em kể anh nghe nhé!
      Em đến thăm Phong Nha vào một buổi chiều nắng lửa. Cái nắng cái gió miền Trung làm cho cây cối như lả đi. Xe bon bon trên con đường trải nhựa, nghe bác tài kể cách đây vài năm, đây còn là một con đường đất đỏ ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì bẩn
.Hai bên đường, những nương sắn cằn cỗi, héo rũ lô nhô bên cạnh những vạt rừng đang cháy dở. Vâng, chính nơi đây một thời đạn bom cày xới không chừa một tấc đất, một nhành cây ngọn cỏ. Chính nơi đây khúc ruột miền Trung lâu nay ta vẫn nhường cơm xẻ áo.Chao ơi, cái khắc nghiệt ở mảnh đất này làm em thấy xót xa chi lạ... Phần thì nắng, phần thì miên man suy nghĩ người em cứ chòng chành như say ấy. Ơ kìa, chữ gì trên đỉnh núi thế, chưa kịp định thần thì :" Tách!", "Xong rồi" " Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...". Đến nơi, đến nơi rồi... Em khẽ reo lên.
      Ngược dòng sông Son, thả hồn với  trời mây non nước, bao nhiêu mệt mỏi bỗng biến đi đâu hết cả. Em thích thú nhìn làn nước trong xanh in bóng mây trời, em mơ màng ngắm bóng núi lung linh. Hai bên bờ sông, làng quê thanh bình yên ả với lũy tre xanh, với mái nhà khi ẩn khi hiện và với những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa. Nhìn đàn trâu thong dong đằm mình trong nước, thỉnh thoảng cứ lắc lắc đôi sừng, ve vẩy cái đuôi để đuổi ruồi đuổi muỗi những ký ức ngày xưa chợt về. Ừ nhỉ, đã bao năm rồi, cũng cưỡi trâu đánh trận, tắm sông, đã bao năm rồi, cũng tập bơi, cũng trồng cây chuối...(Bật mí nha ngày bé tập mãi em vẫn chưa biết bơi... Hihi...) Tim em ngân nga theo lời hát:
"Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình /Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ /Con sông tôi tắm mát /Con sông tôi đã hát /Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà ..."

      Đi cùng đoàn em có một chú là cựu chiến binh, ngày xưa chú là lính lái xe đúng ở cung đường này. Chú kể: Nơi đây là chỗ eo nhất của đất nước mình, nơi đây có đường hầm xuyên núi, là nơi giao nhau của Trường Sơn đông và Trường Sơn tây. Vui miệng em hỏi:
- Chú ơi! Chuyện tiểu đoàn xe không kính trong thơ Phạm Tiến Duật, có thật không chú?
-  Có đấy cháu ạ...
-  Lần đầu vào chiến trường, có sợ không chú?
- Anh nào cũng sợ són đái ra ấy chứ
- Ác liệt lắm cháu à! Đôi khi buổi sáng vừa cười tếu trêu nhau, buổi chiều đã đi luôn cả tiểu đội. Chiến tranh, biết mình có thể chết nhưng vẫn phải liều mình sốc tới, cũng như trong một đoàn xe nối đuôi nhau, chỉ có thể tiến lên phía trước, không thể lùi, không thể dừng...
       Nhìn vẻ mặt xúc động của chú, giả như chú không khẳng định em cũng đã tin rồi. Chú kể, mùa khô ở đây lầm bụi đỏ, mỗi bước đi bụi ngập đến tận mắt cá chân, lính xế thì cứ đêm đi ngày ngủ, đèn gầm xe chỉ chiếu sáng được khoảng chừng 2m
, đường Trường Sơn đôi khi đi bằng linh cảm... Các chú giỏi thật đấy... Bất giác em thốt lên khiến chú bật cười: Này, lái trong rừng có khi là giỏi nhưng mấy bố ấy, cho lái xe ngoài phố, gây tai nạn như bỡn ấy... Em tròn mắt ngạc nhiên nhưng cũng chợt hiểu. Ừ thì, cần phải có thời gian mới thích nghi với hoàn cảnh, anh nhỉ?
      Chỉ 4km thôi, thuyền máy chạy chẳng mấy chốc đã đến nơi. Tắt máy, chèo tay, thuyền khẽ lách mình vào trong động. Đi cùng đoàn em là một hướng dẫn viên người địa phương, giọng Quảng Bình hơi khó nghe nhưng với vốn kiến thức sâu rộng, cách thuyết minh khúc triết đã chinh phục được cả đoàn. Chỉ còn tiếng mái chèo khua nước, chỉ còn tiếng đập cánh của con dơi và chim yến, chỉ còn lời giới thiệu của anh chàng đẹp trai và ánh đèn pin loang loáng... "Thưa với quý thầy cô, chúng ta đang bắt đầu đi trên dòng sông ngầm và thăm quan động ướt. Vâng, dòng sông này có loài cá chình đã được đưa vào sách đỏ, có con nặng tới 7 kg. Quý thầy cô nhìn sang bên phải nhé, đây là tượng bồ tát, khối măng đá duy nhất được ánh sáng tự nhiên rọi tới..." Này là con sư tử của
Thái Ất Nguyên Tôn , này là chiếc khăn lông mềm mại... Này là đàn voi đang uống nước, này là sân khấu của trời...Này thì cá sấu, này thì thần tài... các nhũ đá lấp lánh, muôn hình vạn trạng khiến em chỉ có thể thốt lên:"Quá tuyệt!".Anh biết không, bao giờ đối diện với một nhũ đá cũng là một măng đá. "Nhũ đá hay thạch nhũ đựơc hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm, nghìn năm. Nó là khoáng vật hang động thứ sinh treo trên trần hay tường của các hang động. Nhũ đá "lớn" lên với tốc độ 0,13 mm một năm. Các nhũ đá "lớn" nhanh nhất là những nơi có dòng nước dồi dào cacbonat canxi và CO2, tốc độ lớn có thể đạt 3 mm mỗi năm. Cùng các giọt nước này rơi xuống từ đầu của nhũ đá ngưng tụ nhiều canxit hơn trên nền phía dưới, cuối cùng tạo thành măng đá thuôn tròn hay hình nón. Không giống như nhũ đá, các măng đá không bao giờ bắt đầu như là một "cọng rơm xô đa" rỗng. Khi có đủ thời gian, các dạng hình thành này có thể gặp nhau và hợp nhất để tạo thành các cột đá." Chàng này thuộc bài thật đấy, em thầm nghĩ...(những thông tin này trước khi vào đây em đã tìm hiểu trên mạng rồi mà...) Giọng chàng hướng dẫn viên vẫn đều đều, không ai bảo ai mọi người đều ngước lên theo ánh đèn pin loang loáng. Bỗng một giọt nước rơi trúng mặt, mát lạnh, em vui vui tin rằng mình sẽ được may mắn, an lành.
       Ngược dòng sông ngầm khoảng 800 mết thì tới hang Bi Ký. Đường lên hang Bi Ký phủ đầy cát mịn, khá dốc nên em bỏ dép cầm tay. Qua đoạn dốc gồ ghề có tên là Cổ Họng thì miệng hang mở ra. Từ cảm giác kinh ngạc em chuyển sang cảm giác ngưỡng mộ sự tài hoa tuyệt vời của bàn tay tạo hóa. Nhũ đá rủ xuống, măng đá tua tủa nhô lên với bao hình dáng kỳ lạ, kích thích sự tưởng tượng của mỗi người. Nơi đây, quá trình phong hóa đá vôi vẫn còn tiếp tục, nơi đây có hai cột đá khổng lồ người ta gọi là hai sợi tơ trời anh ạ. Ai đó nói rằng nếu đặt tay vào đó thành tâm khấn nguyện ta người ta sẽ sở cầu như ý. Hihi... Sờ tận tay vào cột đá mát lạnh đó, tự nhiên em lẩn thẩn: nhũ đá là trời, măng đá là đất... nếu anh là trời, em là đất có quyết tâm cố gắng ắt có ngày trời đất gặp nhau. Em tự cười mình, ơ sao mà lãng mạn quá đáng đến thế cơ chứ...
        Hang Bi Ký không những tuyệt đẹp với các nhũ đá rủ xuống, muôn hồng nghìn tía mà còn là nơi rất bí ẩn nữa đấy anh ạ. Trên vách hang người ta tìm thấy 98 chữ cổ khắc chồng chéo lên nhau hiện nay mới đọc được 2 trong 98 chữ ấy nên có giả thuyết cho rằng nơi đây là nơi thờ cúng thiêng liêng của người Chăm cổ. Trong kháng chiến chống Mỹ, hang Bi Ký còn là nơi trung chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men phục vụ chiến trường. Có thời kỳ nơi đây còn là một bệnh viện dã chiến, là đại bản doanh của tướng Đồng Sỹ Nguyên - tư lệnh đoàn 559 từ năm 1967 đến năm 1976... Vâng, có được thiên nhiên ủng hộ, có được ý chí kiên cường thì đất nước ta sẽ không bao giờ khuất phục trước kẻ thù nào, dù chúng mạnh đến đâu, anh nhỉ?
       Sự tinh sảo của tạo hóa, sự kỳ vĩ của thiên nhiên đã làm cho ai đã đến động Phong Nha một lần thì sẽ không thể nào quên. Trên đường về, lòng em phơi phới, vẻ đẹp ở nơi đây chỉ có thể đến tận nơi mà cảm nhận, em chỉ có thể thốt lên:" Trên cả tuyệt vời!"

http://madonatravel.com/upload/images/phong%20nha(2).jpg

Phong Nha - Kẻ Bàng là đây...

Mênh mang sông nước mây trời...


Thanh bình bên bờ sông Son...


Lung linh bóng núi...



Nơi bắt đầu dòng sông ngầm.


Cửa động (gần hơn chút nữa)


Thăm động Phong Nha - Trên cả tuyệt vời!



Trong hang khô. Hihi... ảnh tối thui, Tím không biết chỉnh sửa


Những dòng thạch nhũ kỳ diệu trong động Phong Nha(Ảnh sưu tầm)

Tập tin:Phongnhakebang9.jpg

Măng đá hình linga trong hang khô( Ảnh sưu tầm)


Chữ Chăm cổ được khắc bên trong hang Phong Nha (Ảnh sưu tầm)


Nhũ đá tuyệt vời trong động Phong Nha( Ảnh sưu tầm)
P/S: Bài có sử dụng tư liệu của hướng dẫn viên du lịch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét