Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Nhật ký một chuyến đi...(6)

Nhật ký một chuyến đi...(6)
06:06 1 thg 7 2011Công khai8 Lượt xem 24
     Huế - Lăng tẩm và đền đài.

      Hôm trước, hứa với anh rằng đi chơi về em sẽ kể anh nghe, thế mà em cứ nấn ná chẳng thể cất lời. Không phải em lười biếng hay bận rộn chi cả, cũng không phải là do mắc cỡ khi bạn cười: Nhật ký gì mà dài thòong vậy nhỏ? Hihi... Em băn khoăn, do dự bởi em rất sợ mình không đủ câu từ để truyền tải những cảm xúc ăm ắp, trọn đầy...
      Phải, tại Huế cả đấy! Huế không chỉ đẹp mà còn quá đẹp, ngắm cây phượng vĩ ở chân cầu Trường Tiền mà lòng em chợt bâng khuâng. Ừ nhỉ, cuối hè rồi mà màu hoa vẫn thắm, lá mướt xanh như thể làm duyên,cây phượng vĩ này được coi là đẹp nhất Huế đấy anh ạ.

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/0/0e/Hue%2C_le_pont_Trang_Tien.jpg/300px-Hue%2C_le_pont_Trang_Tien.jpg
      Phượng vĩ  ơi, có phải vì em mà cây cầu thêm duyên dáng hay cảm kích cây cầu màu dụ bạc lấp lánh được ví như chiếc lược ngà cài lên mái tóc diễm kiều của tiểu thư đài các kia mà lửa phượng em đang cháy hết mình.
      Cây cầu đẹp nhất xứ Huế đã vào thơ vào nhạc,"Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/Anh theo không kịp/Tội lắm em ơi!/Bấy lâu mang tiếng chịu lời/Em có anh xa đi nữa/Cũng tại ông Trời nên xa... "lời thơ đau đáu như cứa vào buồng tim khối óc, mặc kệ ông Trời, mặc kệ người đời, dẫu cách ngăn trăm sông ngàn núi, nghĩ về nhau xa cũng nên gần? Một chút vu vơ, một thoáng bâng khuâng khiến lòng em phơi phới, nói anh đừng cười dẫu "sáu vài mười hai nhịp" em vẫn đợi, vẫn chờ để hai đứa được chung đôi.
     Cây cầu lịch sử đã mang tên một vị vua yêu nước, em còn nhớ ngày còn bé tí, đọc tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, đoạn vua Thành Thái trước khi bị đi đày biệt xứ vẫn tỏ rõ nhân cách cao thượng, tiết tháo của của một người con đất Việt. Hôm nay, đứng  tại chỗ khi xưa nhà vua cất bước ra đi, tự nhiên em hình dung ra cảnh đức vua cầm lời tuyên cáo mà bọn Pháp đã thảo sẵn, ném xuống đất, chửi vào mặt tên khâm sứ trong tiếng nức nở của các thần dân, bên tai em vẫn còn nghe văng vẳng lời thơ:" Muôn dân nô lệ từng đàn/Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta? Hỡi ôi mất nước tan nhà/ Cừu thù quốc sỉ ấy là nợ chung." Đến Huế mà bỏ qua nơi này thì thật là thiếu sót, anh nhỉ?
      Dạo chơi xứ Huế,  em được tới thăm chùa Thiên Mụ, ngắm tháp Phước Duyên trầm mặc soi mình trên dòng Hương Giang và nghe tiếng chuông ngân, thấy lòng mình thanh thoát, dịu nhẹ. Nơi đây lưu giữ chiếc xe mà nhà sư yêu nước Hòa thượng Thích Quảng Đức trước khi tự thiêu đã từng đi. Phải chăng lòng yêu nước nồng nàn, phải chăng công phu tu hành có định lực kiên cố của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức đã kết tinh thành Xá-Lợi, "trái tim bất diệt" ấy đã đưa đường chỉ lối, thức tỉnh hàng triệu trái tim...Vòng ra đằng sau chùa là vườn hoa và cây cảnh được chăm chút cẩn thận... là rừng thông gió reo vi vút.  Hùng vĩ khoáng đạt, giản dị và tươi mới, sạch sẽ và ngan ngát hương hoa, chùa Thiên Mụ như níu chân du khách, hấp dẫn và đắm say. Để giờ đây, viết viết rồi lại xóa, không cách gì, ghi lại hết cảm xúc nơi em. Huế yêu ơi, chưa xa mà đã nhớ...
http://www.phattuvietnam.net/thumbnail.php?file=/2010/traitimquangduc.gif&size=article_medium

Trái tim bất diệt - xá lị của Hòa Thượng Thích Quảng Đức.


Chùa Thiên Mụ


Đại điện Chùa Thiên Mụ - Các tặng ni, phật tử đang hành lễ.



Bãi cỏ và rừng thông ở chùa Thiên Mụ.

Một góc chùa Thiên Mụ.


Tháp Phước Duyên


Tháp Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu
       Chuyện kể vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III Chế Mân vì để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần sính lễ. Vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hoà hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hoá-Phú Xuân-TT - Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm. Đền Huyền Trân công chúa ngày nay cách đàn Nam Giao chừng 6 km về phía Nam. Đến thăm đền, được tận mắt chiêm ngưỡng đôi rồng được chạm khắc tinh xảo đã được công nhận đạt kỷ lục VN. Mỗi rồng chầu dài 105m, đầu cao 3,5m, thân cao 2,5m, vòng bụng nơi lớn nhất 2,6m. Để tạo hình đôi rồng chầu này, phải cần đến 78m3 cát, 8m3 sỏi, 41,5 tấn ximăng, 1,5 tấn sắt, 6 tấn bột đá, 3.300 viên gạch 6 lỗ, 33.000 viên gạch thẻ. Màu chủ đạo của đôi rồng chầu là màu xám, được chạm trổ tinh xảo theo các môtíp cầm kỳ thi hoạ, tam lân hý cầu, đan xen là những vầng mây khi ẩn, khi hiện. Trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét xây dựng tháp chuông Hoà Bình và treo một quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, tiếng chuông ngân vang lan toả trong cõi thinh không tĩnh lặng để cầu nguyện Thế giới Hoà bình - Nhân loại Hạnh phúc.

Tượng Huyền Trân công chúa



Một con rồng trong đôi rồng lập kỷ lục ghi nét


 Bông súng trắng tại sân đền thờ vua cha Trần Nhân Tông


Đường lên tháp chuông Hòa Bình

      Cung vàng điện ngọc, gác tía lầu son không phải trong mơ mà là đang hiện hữu. Em muốn cùng anh vào thăm Đại Nội, hóng gió hồ Tịnh Tâm ngan ngát hương sen để nghe lòng diệu vợi. Bảng vàng trên gác Văn Lâu có tên cả tiến sĩ quê mình, đọc đến tên người tên đất mà lòng rưng rưng chi lạ. Anh ơi,bây giờ, tiến sĩ Vũ Văn Lý được thờ tại đình Văn Chỉ quê mình đấy! Tiến sĩ  là thầy học của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến mà tục gọi là ông Hoàng Và thế mới biết nhân tài hào kiệt chẳng phải đâu xa, anh nhỉ?



Tiến sĩ Vũ Văn Lý - Vĩnh Trụ - Công Xá - Nam Xương - Lý Nhân - Hà Nội.

Kỳ đài Phu Văn Lâu

      "Tọa lạc ở vị trí quan trọng nhất trong Đại Nội, Điện Thái Hòa đã từng chứng kiến sự đăng quang của 13 vua Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Trong suốt triều đại quân chủ Việt Nam, Hoàng đế được xem là vị chúa vĩ đại nhất. Chính vì thế mà cung điện này một thời là trung tâm của đất nước." Lời em hướng dẫn viên cứ mơ hồ như mây bay gió thổi,vâng, chính nơi đây vào những năm xưa cũ đã chứng kiến những thăng trầm của vương triều nhà Nguyễn. Vâng, chính nơi đây đã in dấu bao sự kiện trọng đại về một thời oanh liệt của những ông hoàng bà chúa... Thỏa thuê chiêm ngưỡng điện ngọc ngai vàng cổ kính thâm nghiêm,  thấy quá khứ chợt về, thấy lòng chợt lặng. Ừ nhỉ? Tất cả chỉ là phù du trong cõi vô thường...
     

             (Còn tiếp:Huế, lăng mộ xưa và nay
...)
    P/S: Bài có sử dụng một ít tư liệu của hướng dẫn viên du lịch.  
    Một số ảnh chụp bằng điện thoại nên chất lượng hình ảnh không được nét.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét