Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Nhật ký một chuyến đi...(8)

Nhật ký một chuyến đi...(8)
13:08 6 thg 7 2011Công khai6 Lượt xem 50

Huế, ăn và chơi...
- Chưa viết bài mới ư ?
- Chờ dài cổ đọc bài mới mà chưa có ?
- Hihi... Có ngay, có ngay...
      Nói "có ngay" nhưng quả thực rất là khó mở lời, bởi với em, mỗi thời khắc Huế vẫn lung linh hiển hiện em chả biết nói cái gì trước cái gì sau nữa nên em cứ dùng dắng, bâng khuâng.
     Trước khi tới Huế, bọn trẻ đã náo nức:" Huế có biển không mẹ?" Em  mỉm cười nói :"Đến nơi là sẽ biết ngay thôi..." bọn trẻ phụng phịu bởi đối với bọn trẻ, mùa hè mà không được ra biển thì coi như là chưa được đi nghỉ. Chiều bọn trẻ mà em đã có một ngày một đêm thật tuyệt vời với biển Thuận An, anh ạ!
      Vượt qua hơn 20 km trong cái nóng cái gió của xứ Huế, Nguyên - cháu của chị - đã đưa chúng em về với biển, khỏi phải nói bọn trẻ phấn kích như thế nào... Trong xe, bọn chúng chuyện ào ào, rôm rả khiến mẹ và bác vui lây, tự nhiên thấy mặt Linh bừng đỏ, bất chợt nhìn qua cửa kính thấy hai chàng đi xe máy song song bên cạnh xe đang trêu chòng con bé..."chết Linh rồi, hihi..." mọi người cười ồ làm cho chú lái xe cũng bật cười và hai chàng kia thẹn quá vù ga chạy thẳng...
      Đến nơi rồi! Oa, nhà đẹp quá, chị ơi! Em bất giác kêu lên! Vâng, trước mặt em là một ngôi biệt thự xinh xắn thoang thoảng mùi hương hoa. Một màu xanh mát, một không khi dịu dàng, tĩnh lặng cứ như thể cái khắc nghiệt của nắng của gió đã dừng lại đâu đó ngoài kia.Một bông ngọc lan trái mùa trông như một búp tay nhỏ xinh trắng muốt lặng lẽ tỏa hương làm không khí thật thanh khiết, trong lành. Nhà của chị đấy!(Chị ơi, chúng em sẽ quấy quả chị suốt một ngày một đêm. Hihi...Chị ráng chịu cực chút nha...)









       Hihi...Em chợt bật cười khi nhớ lại thái độ của chị khi chúng em vừa mới đến.Em cứ thấy chị có vẻ gì đó khác lạ, lần đầu tiên tới Huế, lần đầu tiên tiếp xúc lâu lâu với người xứ Huế, em cứ nghĩ cái vẻ kín đáo xa cách kia có thể là do đặc điểm vùng miền...Nhưng tới khi chị hỏi:" Cái chú kia là ai vậy?" Em nói:" Con trai em đó chị!" Thì chị mới phá ra cười:" Ôi chết, tại Thảo đấy, giới thiệu chả rõ ràng gì cả, chị cứ băn khoăn, tưởng đó là bạn trai em cơ chứ..." Từ lúc đó chuyện trên trời dưới bể, vui vẻ và nhẹ nhõm vô cùng.
      Về Thuận An, em được thưởng thức tài nghệ nấu ăn của chị. Mặc dù, ba tháng mùa hè chị ăn chay trường nhưng bọn em vẫn được thưởng thức một bữa đặc sản biển thật đã và hơn nữa riêng em, em còn được thưởng thức cái tài, cái đảm của người phụ nữ Huế, rất đỗi dịu dàng. Một lần được nếm món ăn chị nấu, sẽ thật khó quên, anh ạ. Em lăng xăng nhắng nhít, chả giúp được gì cho chị cả nhưng quả thực, theo chị đi chợ cá, nhìn chị nấu ăn, nghe cách chị nói về các món ăn xứ Huế, chưa ăn đã thấy ngon rồi. "Hôm nay, chị sẽ đãi cả nhà món canh chua Huế, nấu bằng cá Cam, vua của các loài cá nhé... Em sẽ được thấy hương vị cá của Huế rất ngọt bởi có Phá Tam Giang nên hình như nước biển ở Huế đỡ mặn hơn ở nơi khác. Mực cũng thế, chỉ cách có mấy chục km thôi nhưng mực ở Quảng Trị vẫn mặn hơn mực Huế..." Giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ thanh nhã khiến cho em cảm thấy  sao mình còn non nớt, vụng về quá thể...
      Về Thuận An, về với biển xanh cát trắng, lũ trẻ thích mê đi, mặc cho mẹ và bác cố can ngăn, mặc cái nắng gắt gao của xứ Huế, ba giờ chiều, bọn trẻ đã nôn nóng nhào xuống biển. Vẫy vùng, hụp lặn chán chê, bọn chúng mới nhớ là còn mẹ và bác... Thế là, chúng kéo ào xuống biển, ừ, ngại thì ngại nhưng quả thực được ngâm mình dưới làn nước trong xanh, thú vị biết bao. Chưa quen với biển, những con sóng chồm lên, làm em sặc nước, ngộp thở... Hihi... Sóng ồn ào và mạnh mẽ làm vậy chả trách sóng đã vào thơ vào nhạc. Sóng mênh mang, sóng dịu dàng "sóng có nghĩa gì đâu, nếu chiều nay anh chẳng đến, dù sóng đã làm em nghiêng ngả vì anh..." Tự nhiên một câu hát lướt qua tim khiến em thoáng chút chiêng chao...


Biển Thuận An-Huế (Ảnh do anh Sóng Biển tặng)

     Khôi bảo:" Chị gặp may đấy, mỗi năm, mực chỉ nổi từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 thôi, hôm nay, em sẽ dẫn chị và các cháu đi soi mực, bắt còng gió ở biển, chịu không?" "Đồng ý, đồng ý ngay chú ơi... "Mẹ với bác chưa kịp phản ứng gì thì mấy cái mồm đã đồng thanh trả lời khiến mẹ và bác chỉ còn nước miễn cưỡng phục tùng mà thôi... Nói miễn cưỡng phục tùng thôi chứ khi ra tới biển thì mọi cái lười biếng, ngại ngùng biến đi đâu hết cả.
Một, hai, ba.... Chạy... Thấy động, bọn còng gió nháo nhào, cuống quýt... Vồ, chộp, rượt , đuổi ...và tóm gọn. Mặc cho sóng biển tung tóe làm ướt nhèm quần áo, mặc cho gió biển làm xổ tung mái tóc em hò hét, em chạy nhảy, em vồ chộp và chiến lợi phẩm em thu được đứng hàng thứ 3 đấy nhé! Bọn trẻ tròn mắt:" Ơ, cô Tím bắt giỏi thế, không sợ nó cắp sao?" Ừ, ngày bé, những chuyện bắt cua mò ốc đối với cô là chuyện nhỏ như con thỏ thôi... Bọn mực thì thật lạ, tung hỏa mù một chút lại nhảy lùi thế là ôi thôi, một chiếc vợt đã chờ sẵn đằng sau, nhìn một em mực gọn gàng trong vợt, em chợt mỉm cười:" Có đôi khi, càng khôn khéo, thông minh thì lại càng không lường được những cái bẫy vô tình..."

Còng biển nè(Ảnh do anh Sóng biển tặng)
       Chia tay với biển, bọn trẻ còn luyến tiếc, chỉ lên Huế ban ngày thôi, tối lại về nhà bác mẹ nhé... Em đọc được nét cười lấp lánh trong đôi mắt chị. Cảm ơn chị nhiều, chị nhé!
      Về thăm Huế lần này, bọn em được vợ chồng Nguyên Nga dẫn đi ăn bánh bèo bà Đỏ. Dân Huế thường gọi quán bánh bèo, nậm, lọc Bà Đỏ là quán bánh lọc Mụ Đỏ. Ngoài các loại bánh như bánh lọc, bánh bèo, bánh nậm, ở đây còn có món bánh lá chả tôm rất ngon, anh ạ!Em nhớ mãi hình ảnh cu Bin (con của Nguyên) cười khanh khách khi nhìn thấy tượng một cậu bé khỏa thân ở góc sân, chỗ ấy, người ta đặt một cái vòi phun nước. Thoáng một cái, cu Bin nhà ta đã ra thi "tè" với em bé, để rồi vào thì thầm có vẻ bí ẩn lắm:" Ba, nước của em bé không khai đâu, ba ạ..." làm cả nhà phá ra cười..."Tôi chết mất vì con với cháu..." chị rên lên mà nước mắt nước mũi sặc sụa.
http://i158.photobucket.com/albums/t113/taolaophoto/01_BanhBeo5.jpg
      Bánh bèo đấy, quả thực lúc đầu nhìn họ mang ra một khay bánh được xếp chồng lên nhau như một tác phẩm nghệ thuật em cảm thấy rất lạ lùng. Em nhớ ngày xưa, mỗi lần bà đi chợ về, quà cho mấy chị em là những tấm bánh bèo. Bánh bèo quê mình gói bằng lá chuối, hai đầu vặn lại trông giống như những chiếc thuyền con. Một nhúm lá hành tươi, phi với mỡ rưới lên lớp thịt bánh trắng xanh, đưa lên miệng còn thơm mùi lá chuối, chẳng nỡ ăn nhanh. Cho tới tận bây giờ, em vẫn còn nhớ ánh mắt bà hấp háy cười với câu chửi yêu:"Cha bố chị, ăn đi, không có mấy đứa kia ăn hết phần nó, nó lại đòi bây giờ..." Mải miên man, nhìn sang bên cạnh, ôi thôi, những chồng bát cao ngất, các vầng trăng con với lớp tôm chấy màu hồng đã bị chui vào những cái miệng háu ăn tự bao giờ. Đúng là, ăn một lại muốn ăn hai... Bánh Huế nhỏ xinh, thưởng thức một lần, khó mà quên được.
     Bánh nậm còn gọi là bánh lá, thường được gói bằng lá dong hoặc lá chuối anh à. Tự nhiên muốn được cùng anh, la cà các quán Huế để được ăn không chỉ bằng mắt, bằng tay, bằng miệng mà còn bằng cả cái cảm giác mãn nguyện khi được đi chơi cùng người thương của mình...

      Bánh bột lọc là loại bánh vừa dai vừa dẻo lại vừa mềm, làm bằng bột lọc bọc nhụy tôm thịt ăn với nước mắm biển, càng cay càng hấp dẫn, bánh được gói bằng lá chuối hay để trần luộc chín, mỗi dạng đều có một hương vị độc đáo riêng. Nhìn những con tôm hồng tươi ẩn trong lớp áo bột trong suốt, khó ai có thể từ chối được món bánh dễ thương này. Một điều đặc biệt ở các món bánh Huế là mỗi tấm bánh đều nho nhỏ, xinh xinh. Ăn bao nhiêu không biết nhưng khi tính tiền, bà chủ chỉ cần nhìn qua các loại đĩa đã biết khách ăn những loại bánh gì và số lượng bao nhiêu. Huế luôn luôn làm cho em cảm thấy bất ngờ, anh ạ.
      Đúng là no bụng đói con mắt, thấy bảng hiệu còn có loại bánh khoái, bọn trẻ lại đòi nếm thử. Này, bánh khoái không phải được làm sẵn đâu nhé! Khi có khách gọi, nhà hàng mới bắc khuôn lên bếp, chỉ chút thôi, với những động tác nhanh và khéo léo như đang múa, một xuất bánh khoái đã ra lò. Hihi... Bánh khoái ngon, còn ở nước lèo nữa đấy anh ạ. Pha chế nước lèo cho bánh khoái, mỗi nhà hàng đều có những bí quyết riêng và vì thế hương vị bánh khoái ở Huế, mỗi nhà hàng mỗi khác.
      Đi ăn với các bác Henry - tân khoa trường THCS Nguyễn Tri Phương - Huế - mang theo một cái chân bó bột, bộ mặt lém lỉnh và những câu chuyện hài làm mọi người cười lăn cười bò. Lần đầu đến Huế mà em thấy  gần gũi và thân thiện vô cùng.
   Có những thứ bánh chỉ có thể thường thức ngay ở Huế, nhưng cũng có thứ bánh Huế có thể mang về làm quà đấy anh ạ. Nếu không đi chơi với thổ công xứ Huế làm sao em biết được hiệu bánh dưới đây:



       Đã được thưởng thức món bánh ít dẻo thơm bao bọc lấy một chú tôm nõn màu hồng, không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt, giờ đây em lại được thưởng thức món bánh ít đen, nho nhỏ xinh xinh nữa chứ. Hương vị của nó gần giống bánh gai của miền Bắc mình nhưng vị ngọt thanh hơn, nhân đậu xanh mịn màng ngầy ngậy, beo béo rất hấp dẫn anh ạ.



(Trong khi chờ đợi họ gói cho được mấy trăm bánh mang về quê làm quà, em chộp được đấy... )
        Một đặc sản không thể bỏ qua là bánh phu thê của xứ Huế.Trước hết phải nói ngay rằng bánh phu thê Huế có hình thức lẫn hương vị khác xa hoàn toàn so với các loại bánh phu thê ở những vùng khác như Hà Nội, Đình Bảng (Bắc Ninh). Nếu như chiếc bánh phu thê ở ngoài Bắc có hình hơi tròn dẹt và được gói trong giấy bóng kính trang kim màu vàng hoặc đỏ, ăn hơi nhão và có vị của phẩm màu thì chiếc bánh phu thê xứ Huế lại thanh nhã và xinh xắn bởi lớp áo bằng lá dừa tươi, anh ạ.Thực ra, những thứ để làm nên chiếc bánh phu thê Huế không phải cái gì quá cao sang khó kiếm. Chúng đều là những thứ vật liệu mang tính tầm tầm, bình dân dễ kiếm. Anh hãy thử hình dung nhé:Với một chút bột lọc (tinh bột sắn lọc), một chút đậu xanh, một chút cơm dừa nạo sợi, một chút đường, vani, một miếng lá dứa (lá cơm nếp) cùng với một cọng lá dừa tươi; tất cả chỉ có vậy, nhưng qua bàn tay khéo léo, cầu kỳ của các mệ (bà), các chị chúng đã hình thành nên chiếc bánh phu thê độc đáo và hấp dẫn. Bánh phu thê được người Huế dùng nhiều vào các dịp cưới hỏi vì nó mang nhiều ý nghĩa quan niệm về tình nghĩa vợ chồng.


Phần thân bánh trắng trong mịn màng tượng trưng cho âm (vợ),
      Bánh phu thê đem lại cho người thưởng thức cái cảm giác vừa giòn vừa dai của cái chất bột lọc để nguội, vừa sần sật của những cọng cơm dừa non, vừa có cái ngầy ngậy béo của nhân đậu xanh, vừa có cái hương thơm dìu dịu của vani, của lá cơm nếp, vừa có cái vị ngọt thanh mát của đường cát trắng.


còn phần nắp chỉn chu vuông vắn làm bằng lá dừa tươi ôm lấy thân bánh tượng trưng cho dương (chồng).


Biểu tượng song hỉ


Các nghệ nhân nhí


Hộp bánh giản dị mộc mạc mà đẫm đượm tinh hoa Huế
      Về Huế, ăn và đi chơi ở Huế luôn làm em thấy bất ngờ và thú vị.Này thì đi thuyền trên sông Hương nghe ca Huế, này thì đi chợ Đông Ba, này thì đi xích lô dạo chơi phố đêm, thăm xóm Ngự Viên để nhớ" Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên". Đến Huế em thấy lạ là tại sao người ta cúng rất to ở cổng mỗi nhà. Hỏi, được bác xích lô giải thích đó là cúng tưởng nhớ ngày kinh thành Huế thất thủ từ 23/5 đến 30/5 âm lịch hằng năm. Đến Huế, nghe kể chuyện Hàn Mạc Tử, chuyện Nguyễn Bính, nhớ "Giời mưa ở Huế" vâng, quả thực nếu như sống trên thuyền, lênh đênh nay đây mai đó trên dòng Hương Giang, thì "giời mưa ở Huế" sẽ thật buồn, anh nhỉ?  Muốn nói thật nhiều, kể thật nhiều nhưng trong khuôn khổ một entry, viết dài quá, sợ anh chê là lan man nên em dừng bút nơi đây. Những mong một ngày được tay trong tay cùng anh ở Huế, thưởng thức tất cả những tinh hoa của chốn cố đô, cảm nhận về những giá trị đích thực của cuộc đời. Chắc là sẽ rất thú vị, anh nhỉ?


Cầu Trường Tiền đêm ( Chụp khi đi nghe ca Huế)


Thả hoa đăng và ước nguyện. Hihi... Đố anh biết em nguyện ước điều gì đấy. Nói đúng, có thưởng!

      Chia tay với Huế, hình ảnh cuối cùng mà em lưu lại là cái ấm áp, chu đáo của con người xứ Huế. "Dì Thảo mang lên xe cho T và lũ trẻ ăn đêm giùm con nhé..." Sắp lên xe rồi, Nguyên còn với theo để đưa túi bánh, nghe giọng Huế trầm ấm ân cần em cảm nhận  được sự nhiệt tình mến khách của người xứ Huế.Chia tay với Huế, em còn nhớ mãi hình ảnh cu Bin khóc nhè lúc tiễn mọi người lên xe, cứ đòi theo ra Hà Nội. Vâng, chia tay rồi nhưng xứ Huế và con người xứ Huế vẫn để lại trong em những tình cảm yêu mến, trân trọng. Chả biết nói gì hơn, em chỉ biết thốt lên rằng:" Cảm ơn nhiều nhé, Huế thương yêu...."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét