Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Nhật ký một chuyến đi...(7)

Nhật ký một chuyến đi...(7)
07:00 3 thg 7 2011Công khai6 Lượt xem 31
    
Lăng mộ Huế, xưa và nay

       Đến Huế, chúng ta sẽ được thưởng thức hai món đặc sản đó là" nắng Huế" và "gió Huế"...
Em mỉm cười khi nghe giọng nói đằm thắm mà dí dỏm của cô gái Huế dịu dàng và xinh đẹp đang dẫn đoàn đi thăm lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn. Vâng, dù nắng, dù gió nhưng cũng không làm chùn chân em bước. Lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn có thể xếp vào những kỳ quan của thế giới. Đẹp và hoành tráng lắm anh ạ. Điểm đến đầu tiên là lăng Khải Định - ông vua đã từng ở Tây về nên kiến trúc mang phong cách phương Tây.(Hihi... Tự nhiên em nhớ đến hình ảnh "Con rồng tre" trong vở kịch của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...)  Cả 4 mặt không gian được trang trí dày đặc bằng thủy tinh màu và gốm sứ không một xăng ti mét vuông nào còn để trống. Dưới sàn được lát gạch men, trên trần là bức vẽ "Cửu long ẩn hiện trong mây" do Phan Văn Tánh vẽ... Có một giai thoại về người họa sĩ tài ba này. Ông không những dùng cả hai tay mà còn dùng cả hai chân để vẽ. Khi vua Khải Định đến thăm và kiểm tra tiến độ thi công, ông đang đu người lơ lửng trên trần nhà  dùng  hai chân vẽ rồng. Nhà vua bực lắm, khiển trách ông nhưng sau khi nghe ông phân trần cũng phải tha và nói: " Nếu nước Nam mà có hai người như mi thì trẫm đã cho mi bay đầu rồi..." Vâng, thật là người họa sĩ bậc nhất tài hoa.

 

Tím và bạn bè ở Lăng Khải Định.

Một góc tường và trần ở Lăng Khải Định.
     Lăng Tự Đức lại giống như một bức tranh sơn thủy hữu tình, là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Thăm lăng Tự Đức em nhớ đến một câu thơ đã đọc ở đâu đó:" Tứ bề núi phủ mây phong/ Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên..." Thăm lăng Tự Đức em tần ngần đứng trước hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết mà nghĩ về thân phận nghiệt ngã của người phụ nữ xưa, nhất là thân phận của các phi tần sau khi nhà vua đã băng hà.



Các vua và các hoàng hậu ở lăng Tự Đức.

Nghe nhã nhạc cung đình ở lăng Tự Đức.

Trước Lăng Tự Đức

Nơi ở của các bà phi và cung nữ sau khi vua Tự Đức băng hà.

       Tọa lạc trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế12 km là lăng Minh Mạng, ông vua nổi tiếng với thang thuốc bí truyền.Bố cục kiến trúc đăng đối của các hạng mục chính trong lăng đem lại cho lăng một vẻ uy nghiêm cần có của công trình lăng mộ. Tuy vậy, ở ngoài rìa, men theo con đường dạo quanh co vòng quanh hai hồ nước và viền xung quanh lăng, xen lẫn với cây cối có các công trình kiến trúc nhỏ dùng để nghỉ chân ngắm cảnh như: đình Điếu Ngư, gác Nghênh Phong, hiên Tuần Lộc, sở Quan Lan, Tạ Hư Hoài ... làm cho toàn bộ quần thể lăng uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên và duyên dáng tráng lệ.Qua 14 năm ròng rã cân nhắc và 3 năm xây dựng, từ một vùng núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con người đã hình thành một khu lăng tẩm uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng.


Lăng Minh Mạng.

Một góc lăng Minh Mạng

Mái tam quan Lăng Minh Mạng

   
      Hihi... Em cố ý lướt qua các lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn bởi vẻ đẹp và sự hoành tráng của nó đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của du khách đến thăm xứ Huế rồi, nhưng có một nơi, em muốn dẫn anh đi thăm và chắc hẳn anh sẽ trầm trồ xuýt xoa bởi một nét đặc biệt của văn hóa xứ kinh kỳ.

“Thành phố biệt thự mộ” An Bằng (thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, TT Huế) bây giờ đã trở thành một điểm đến của khách du lịch
 
Nhà dành cho người chết hoành tráng là vậy, đối lập hẳn với nhà của người đang sống. Người dân ở đây chịu cực chịu khổ để xây lăng mộ cho những người chết...có ngôi mộ trị giá cả tiền tỷ.
 
Và những ngôi mộ đang được tiếp tục xây mới hoành tráng hơn...
 
 
Nhiều ngôi mộ còn xây cả nhà vệ sinh ở trong mộ...cuộc sống của con người ở đây sau khi chết chắc chắn sung sướng hơn những người đang còn sống nhiều....
 
 
 
 
 
Phải tận mắt  chứng kiến mới thấy hết quy mô của khu lăng mộ ở đây....


      Chỉ một chữ Huế mà đã tốn không biết bao giấy mực. Chỉ một nét Huế mà đã gặp thì chẳng thể nào quên. "Vạn niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân..." Câu ca dao làm lòng em trĩu nặng khi đi thăm lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn. Và giờ đây, choáng ngợp trước "thành phố biệt thự mộ" ở Huế, ừ thì đẹp, ừ thì xa hoa lộng lẫy nhưng... Lòng em chợt bâng khuâng hai chữ "giá như..."
    

          ( Còn tiếp: Huế, ăn và chơi...)
P/S: Bài có sử dụng tư liệu của hướng dẫn viên du lịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét