Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Nhật ký một chuyến đi (5)

Nhật ký một chuyến đi...(5)
08:13 28 thg 6 2011Công khai5 Lượt xem 26
 Huế và cảm nhận.
        Vâng, "chẳng sợ Truông nhà Hồ, chẳng sợ phá Tam Giang" vượt hơn 600 km cuối cùng chiếc xe buýt chở em cùng với các hành khách đã được đặt chân lên xứ Huế mộng mơ. Đêm, đường xa mệt mỏi làm cho mọi người ngủ gà ngủ gật. Đăng Khoa - Hành khách nhí duy nhất trong đoàn bỗng reo lên:
- Mẹ ơi, cầu đổi màu kìa mẹ...
- Ôi, đẹp quá,cầu Trường Tiền kìa....
- Ôi, Huế thương đây rồi...
      Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều ngó qua cửa kính ô tô, như thể muốn mình là người đầu tiên nhìn thấy Huế. Huế về đêm, sạch sẽ và tĩnh lặng. Huế về đêm, lung linh trăm hồng nghìn tía, đang chào đón , mời mọc. Vâng, em muốn ra ngay khỏi xe, để hít thở được bầu không khí Huế. Em nôn nóng muốn được đặt chân xuống mảnh đất kinh kỳ đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các tao nhân mặc khách. Vâng, như thể chiều theo mong muốn của em, xe đã dừng lại. Khách sạn đây rồi! Huế mộng mơ đây rồi! Là thực chứ không phải là mơ nữa...
      Chẳng biết vô tình hay cố ý, nơi em ở chính là thôn Vĩ Dạ xưa. Sáng tinh sương, bọn em đã lang thang dạo phố, nắng mới lên, trong trẻo và tinh khôi hứa hẹn một ngày đẹp trời. Vườn trong phố, hấp dẫn lạ lùng, em ngó trước nhìn sau, tìm những hàng cau, khóm trúc. Chẳng biết tự bao giờ, lòng ngân nga theo những vần thơ đẹp. Cầu Trường Tiền, sông Hương, núi Ngự... thành quách, đền đài... em muốn thu tất cả vào trong mắt, mỗi bước đi, em tưởng như đều chạm vào quá khứ ... Đẹp quá, đẹp quá đi...
     Anh ơi, về thăm cố đô, em muốn cùng anh dạo chơi bằng xích lô xứ Huế! Mình sẽ cùng nhau tận hưởng cái cảm giác được làm người sang ở chốn kinh kỳ hoa lệ này, anh nhé!Trên những con đường rợp bóng lá me bay, mình sẽ cùng nhau ngắm thành quách, phố xá, dòng sông và cả những khu vườn yên tĩnh và nghe bác tài kể chuyện. Xích lô xứ Huế cũng lạ lùng, anh ạ! Xe có độ cao đủ tầm để du khách có thể ngắm dòng sông Hương, đủ vừa cho đôi uyên ương không cảm thấy chống chếnh nhưng cũng lại không quá chật cho ai đó cảm thấy ngại ngùng mỗi lúc ngồi chung... Dân xích lô Huế nói ít mà trải đời, ngó vẻ chất phác và lầm lụi vậy chứ chớ coi thường, bởi trong số họ còn có những người trước đây vốn đã từng là những ông giáo học, nhà thơ hoặc giới chức công sở biết nói tiếng Tây rất thạo nhưng nay vì thời thế đổi thay phải quay sang làm nghề đạp xế.Thuê họ chở đi chơi để được nghe họ kể cho biết đủ thứ chuyện buồn vui mới cũ của xứ này, thậm chí cả những chuyện được liệt vào hàng “thâm cung bí sử” tự thuở nào trong chốn cấm cung xưa, thích thú vô cùng.
       Về xứ Huế, mình sẽ cùng nhau thưởng thức bánh Huế để cảm nhận cái khéo, cái đảm của người con gái Huế, anh nhé.Mình sẽ cùng nhau bóc những tấm bánh còn nóng hôi hổi, thơm lừng và nghe bà chủ kể về cách ngâm bột, chọn tôm: Bột để làm bánh ram ít, bánh bèo hay nậm lại phải là thứ nếp trắng chọn kỹ, ngâm nước vừa độ để không bị chua và xay nhuyễn. Việc chọn tôm và sơ chế cũng rất quan trọng, người làm phải chọn những con tôm tươi, vỏ mỏng có hương vị thơm ngọt. Và cách chế biến các loại bánh Huế thì khá cầu kỳ, tỉ mỉ, đó là cả một nghệ thuật. Được tận tay bóc những chiếc bánh còn nóng hổi, thơm lừng cùng với chén nước mắm đậm đà, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của bột, vị thơm của nhân tôm và vị cay nồng của ớt; tất cả hòa lẫn vào nhau tạo nên một nét gì rất Huế. Ăn bánh Huế là phải thưởng thức cả bằng miệng, bằng mắt và bằng tai nữa, như thế mới có thể tận hưởng hết những hương vị đậm đà của nó. Bởi bánh Huế là những tác phẩm vừa cầu kỳ sang trọng vừa dân dã làng quê, như một điểm nhấn trong nghệ thuật làm bếp của người nội trợ xứ Huế. (*)Ôi, con người xứ Huế, càng tiếp xúc sẽ càng thấy thú vị anh ạ. Giọng nói nhỏ nhẹ, mượt mà của các dì, các mệ, khiến cho các món bánh Huế, thưởng thức một lần ta nhớ mãi.
       Chẳng giống như Sài Gòn ồn ào và nhộn nhịp, chẳng giống như Hà Nội, khói bụi và kẹt xe, Huế với dòng sông Hương hiền hòa chia đôi thành phố, sao dịu dàng chi lạ.  Vĩ Dạ Xưa, êm đềm trong tiếng nhạc. Hihi...Bọn em mỗi đứa chọn một loại trà: nào là Nhan Sắc trà, nào là Quý Phi trà và gì gì em chẳng nhớ...Có bạn lần đầu uống trà cứ tròn xoe mắt thắc mắc: Trà gì mà lạ vậy, toàn rễ với cỏ, uống được không? Ừ nhỉ, khác với Hà Nội, cũng bấy nhiêu vị thôi nhưng các vị ngọt ngào, Huế kín đáo đã để nơi đáy chén và cũng như thưởng thức trà vậy, Huế đằm thắm và sâu lắng không thể chỉ lướt qua. Ngoài kia, dòng sông Hương êm đềm đang sáng lên bởi trăng 14 lung linh,đẹp và thơ mộng vô cùng. Xen trong những tiếng trầm trồ xuýt xoa là chuyện nhà, chuyện trường, chuyện bạn này bạn khác...rôm rả và sôi nổi. Tự nhiên em nghĩ, nếu biết bỏ qua những bon chen, đố kị... thì người ta sẽ không bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt vời và hơn ai hết, em cảm thấy mình thật giàu có.
       Ngày mai, em sẽ được đi thăm các lăng tẩm, thành quách đền đài. Ngày mai, em sẽ được tận mắt chứng kiến Huế đài các và diễm lệ mà trước đây em mới chỉ biết qua sách vở. Hồi hộp và náo nức quá chừng. Chờ em anh nhé! Đi chơi về, em sẽ kể anh nghe!







P/s: phần đánh dấu (*) là tư liệu sưu tầm.
Ảnh do em Thanh Huyền chụp và em Thảo Nguyên chỉnh sửa.

Nhật ký một chuyến đi...(4)

Nhật ký một chuyến đi...(4)
05:04 23 thg 6 2011Công khai4 Lượt xem 43
      4. Quảng Bình, Quảng Trị.
      Xe đi ngang qua Quảng Bình vào buổi chiều nắng nhạt, em muốn dừng lại để tận mắt thưởng thức vẻ đẹp của những cồn cát trắng, cát trắng là đặc sản của Quảng Bình đấy anh ạ. Em còn nhớ, có lần, anh Sao Hồng đã kể em nghe chuyện về những đồi cát trắng vun tròn như bầu vú mẹ, những bông hoa cát, những đường vân cát, sắc nét và sống động như thể được chau chuốt bởi nhà họa sĩ tài ba. Đồi cát trắng mịn màng, bức tranh khổng lồ được tạo ra bởi gió, bởi mưa luôn là hoài niệm của những người con Quê Choa khi xa xứ. Đẹp đến vậy mà mong manh làm vậy, chỉ cần một cơn gió, một trận mưa hay đơn giản là một dấu chân thôi cũng làm cho bức tranh bị biến dạng. Nhưng cũng chẳng sao, một bức tranh khác lại hiện ra lấp lánh và ảo diệu. Được chiêm ngưỡng những tác phẩm tuyệt vời đó cũng là hạnh phúc. Một ý nghĩ ngồ ngộ bất chợt hiện ra, khiến em thấy vui vui.
       Đang miên man với cát, điện thoại khẽ rung, tin nhắn đến" Em đi đến đâu rồi?" Em mỉm cười, thấy lòng rộn ràng chi lạ." Em đang đi ngang qua nhà anh..."Tinh nghịch, em nhắn lại mà nụ cười chưa tắt trên môi.  Lệ Thủy, Quảng Bình - nhà bạn em ở đó. Biết chẳng thể gặp để hàn huyên nhưng lòng em cứ rưng rưng khi nhớ tới một lần offlin nào đó, qua điện thoại, tiếng Quảng Bình em nghe câu được câu chăng, "anh nói chậm thôi, em không nghe rõ..." Vâng, tiếng quê choa "Cái gầu thì bảo cái đài/Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi/Chộ tức là thấy mình ơi/Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em/Thích chi thì bảo là sèm/Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào..." học được không dễ dàng gì, đừng trách em anh nhé, bởi anh  biết rằng"Em cười bối rối mà thương/Thương em một lại trăm đường thương quê/Gió Lào thổi rạc bờ tre/Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn/Chắt từ đá sỏi đất cằn/Nên yêu thương mới sâu đằm đó em."phải không anh?
       Khúc ruột miền Trung lả đi vì nắng nóng. Xe vẫn cần mẫn băng đường. Nhìn những đồi sắn (củ mì) cằn cọc héo rũ, những vạt cỏ cháy sém , những cơn gió mang hiểm họa cháy rừng em cảm thấy mình bất lực. Thế nhưng, người miền Trung chẳng bao giờ chịu đầu hàng số phận. Ở ngôi chợ Kẻ Diên (nay là Diên Sanh) thuộc vùng quê Hải Lăng (Quảng Trị) có một câu ca dao được truyền lại từ bao đời mà ai cũng thuộc: câu ca về một bà mẹ nghèo sau lũ lụt ra chợ Kẻ Diên mua về một con gà mái, đẻ mười cái trứng mà ung hết bảy, còn ba trứng nở ra ba chú gà con thì “con bị diều tha, con bị quạ bắt, con bị chim cắt xơi”.Nghĩa là trắng tay đến tận cùng vậy mà vẫn cứ động viên mình: Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây! (Câu ca dao này hay đến độ đã được đưa vào sách giáo khoa và được coi như một biểu tượng của ý chí, không bao giờ khuất phục hoàn cảnh của người Việt!).Thương lắm, miền Trung ơi!
       Hôm trước, khoe em đi chơi Huế, chị đùa:" Đi vô Huế, qua Đông Hà quê chị đảm bảo với em rằng, em sẽ chẳng thích ra khỏi xe để thưởng thức  món "gió ngoại" và nắng gắt gao của miền Trung đâu..." Chị ơi, dẫu có nắng  có gió em vẫn muốn được gặp và trò chuyện với người chị yêu dấu, người đã không chịu đầu hàng số phận, đẩy lùi bệnh tật để sống vui, sống khỏe, người là tấm gương về ý chí kiên cường trong cuộc sống để mỗi lần có điều chi ấm ức, muốn mít ướt em lại đem ra soi để tự trấn an mình. Chị ơi, dẫu có nắng có gió, em vẫn muốn dừng lại bên dòng sông Thạch Hãn để kính cẩn nghiêng mình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, để hứa với các anh rằng: Mỗi tấc đất quê hương, máu hồng anh đã đổ, lớp anh trước, lớp em sau, chúng em sẽ quyết giữ lấy biển lấy trời, nơi cao xanh các anh hãy yên lòng và phù hộ cho sự bình yên của đất nước mình, các anh nhé!
      "À á ơ a a à á ơi ... Ai vô xứ Huế thì vô/Chớ sợ Truông nhà Hồ, chớ sợ Phá Tam Giang à ơi" .Câu hát ngọt ngào như lời mời gọi. Vâng, em sẽ chẳng sợ đâu, bởi Truông nhà Hồ ngày nay đâu còn là sào huyệt của bọn cướp nguy hiểm, Truông nhà Hồ còn là nơi trú ngụ của các nghĩa sĩ Cần Vương đi theo vua Hàm Nghi và tướng Tôn Thất Thuyết chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Truông nhà Hồ không còn là truông vắng mà trở thành đường lớn, tấp nập xe pháo hành quân, và được đặt tên mới là "Dốc 6 độ".
      Huế thương đây rồi!Ta tạm dừng chân ở đây anh nhé! Huế đẹp và Huế thơ, chắc có nhiều điều để kể. Hẹn gặp anh tại xứ Huế mộng mơ.

(Còn tiếp: Huế mộng mơ)



Vân cát


Bình minh trên đồi cát



Hoa cát



Vân cát



Điêu khắc cát



Vũ điệu cát

 
http://tamnhin.net/Uploaded/thuhuyennguyen/Images/2011/Thang%20-%203/4.3/20110302090648_3.jpg

Cacbon đen biến dang cát Quảng Bình


P/s: Ảnh sưu tầm

Nhật ký một chuyến đi ...(3)

Nhật ký một chuyến đi ...(3)
08:47 20 thg 6 2011Công khai6 Lượt xem 31
      
       3. Hà Tĩnh
      Chiếc xe buýt cùng với các hành khách vẫn đồng hành trên con đường thiên lý. Em bâng khuâng bởi lời thơ Anh Ngọc:

Nước mắt thành mặt trái của lòng tin
Tình yêu đến cùng đường là cái chết
Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp
Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu.

Giá như như trên đời còn có một Mỵ Châu
Vừa say đắm yêu thương vừa luôn luôn cảnh giác
Không sơ hở, chẳng mắc lừa mẹo giặc
Một Mỵ Châu như ta vẫn hằng mơ ...
      Vâng, có những điều chẳng thể "giá như.." anh nhỉ? Bởi quả thực nếu có một nàng Mỵ Châu như thế thì ngọc trai lung linh sẽ không bao giờ có thực. Nếu có một nàng Mỵ Châu như thế, giếng Cổ Loa chẳng thành chứng tích...
       Hihi... Đi du lịch mà cứ miên man trong dòng suy tưởng, đất nước đẹp vô cùng, nhẹ lòng đi em nhé, em nghe như lời anh nhắc khẽ, bỗng giật mình, xe đã qua cầu Bến Thủy tự bao giờ. Em đang đi giữa miền Trung, anh ạ. Nắng và gió khiến cho cây cối như lả đi, tự nhiên em nhớ chiếc áo tơi của người Hà Tĩnh. Bà em bảo, chiếc áo tơi được kết  từ lá cọ khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng là  chiếc áo khoác ngoài đầy “quyền uy”, chiếc chăn ấm che thân, chiếc áo che mưa che nắng, của người Hà Tĩnh. Chiếc áo tơi như cây cầu đưa lối, chiếc áo tơi như cái cớ để ai đó ngỏ  lời cùng ai:"Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng,/ Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng /Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai, /Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…" . "Với đàn bà con gái khi giữa đồng, áo tơi quây tròn dựng đứng, cứ thế chui vào mà... làm bất cứ việc gì họ muốn. Cái “nhà tắm di động” ấy lợi hại đến nỗi, giữa thanh thiên bạch nhật, cánh mày râu có muốn nhìn dọc ngó ngang cũng đành chịu. Với nam nữ nông thôn khi “cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng”, áo tơi lại là một chốn yêu đương lý tưởng. Người ta có thể nghe vọng ra từ áo tơi những tiếng rúc rích cười đùa của từng cặp yêu nhau, nhưng họ yêu ra làm sao, chỉ có... áo tơi mới biết.Chiếc áo tơi thứ sản phẩm độc nhất vô nhị này sự mộc mạc, giản dị mà còn cả cái tài, cái trí của người xứ Nghệ…" Đoạn văn trên em đã từng đọc ở đâu đó, chợt hiện ra giữa ngày hè bỏng rát, chợt hiện ra khi em qua khúc ruột miền Trung, em ngơ ngác nhìn, mong tìm thấy một dáng chị, dáng mẹ, khoác chiếc áo tơi cho thỏa..., đừng cười em, nhé anh!
      Mộ bên đường, nghi ngút khói hương, chỗ này, năm ngoái lũ cuốn trôi cả một chiếc xe chở đầy hành khách xuống sông Lam đấy. Em nhắm mắt lại nghe tiếng ai đó nói. Vâng, hết gió lào lại nắng cháy, hết hạn hán lại lũ lụt thế mà miền Trung vẫn bừng lên tươi mới. Ngói đỏ nhà tầng vẫn ngạo nghễ giữa trời xanh. Qua đèo Ngang dẫu chân này có mỏi, trời mây khoáng đạt, tự nhiên ao ước giống người xưa:" Quốc bộ gian nan lặn lại trèo./Bắc Nam đôi ngã lối quanh queo./Một hơi kéo miết chân chồn dại./Nửa chữ không còn bụng đói meo./Hoa chửa tan sương cười dở khóc./Nước còn vướng đá, chảy rồi reo/Ước gì thân hóa ra chim nhỉ./Muôn dặm đồ nam nhẹ cánh vèo." ( Thơ Đặng Trần Thường)




Đường hầm trên bộ đèo Ngang



 Trong đường hầm



Dãy núi Hoành Sơn



Cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh( ảnh của anh Sóng Biển)






Sông gì, núi gì em chẳng rõ, em chỉ biết thốt lên: Đẹp quá, đẹp quá đi!
(Chặng tiếp theo: Quảng Bình, Quảng Trị)

P/s: Ảnh do em Thanh Huyền chụp qua cửa kính ô tô.

Nhật ký một chuyến đi...(2)

Nhật ký một chuyến đi...(2)
01:43 18 thg 6 2011Công khai3 Lượt xem 37
        2. Thanh Hóa, Nghệ An.
       
Giáp Ninh Bình và Thanh Hóa là đèo Tam Điệp (tên cũ là đèo Ba Dội), nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã làm bài thơ rất hay về nơi này, nếu anh nói đúng em thưởng, đồng ý không nào? Ôi, không, em không đố nữa đâu, tự nhiên hai má em bừng đỏ, thẹn quá đi mất...Hihi...*
     Thanh Hóa đây rồi, cầu Hàm Rồng còn vang dội chiến công, đồi Quyết Thắng đã bao lần ra đòn sấm sét khiến những con ma đế quốc phải bạt vía kinh hồn.Dòng sông Mã yêu thương thấm hồng xương máu, mỗi tấc đất quê hương, ta quyết giữ đến cùng. "Ơi, sóng vỗ mái chèo,/ làng thôn quê ta khuất xa trìu mến./ Ơi, núi sông quê nhà. /Hỏi sông nơi đây, có bao anh hùng, hò ơi dô ơi.../Các anh các chị tuổi xuân đôi mươi đánh tây luyện thép./Ơi, đánh giặc đêm ngày,/ đạn bom khôn ngăn tiếng ca yêu đời hò ơi dô khoan./Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng, /soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang ơi./ Ơi quê ta bao yêu thương vang nước sông tiếng hát anh hùng ơi./Hùng vĩ đứng bên Hàm Rồng đó soi bóng bờ Nam Ngạn tươi xanh ơi /Bên cô dân quân tươi hiên ngang mãi mãi vang cùng sông Mã kiên cường ớ..." Giọng hát của ai đó vang lên kéo em về thực tại. Trên xe mọi người đang chơi trò thi hát, cứ đến tỉnh nào, hai đội lại thi nhau hát các bài hát về tên đất tên người của tỉnh đó. Sôi nổi và hào hứng đường xa bỗng hóa gần, mệt nhọc tự nhiên cũng biến đi đâu mất. Cảnh đẹp còn nhiều, giới thiệu đến khi nào mới hết... Khi nào có dịp, mình cùng nhau đi thăm, anh nhé!

      "Giận thì giận mà thương thì thương/Anh sai đường thì em không chịu nổi/Anh yêu ơi xin đừng có giận vội/Mà trước tiên anh phải tự trách mình/Chứ người ơi , em yêu anh cha mẹ nỏ ưng/Cấm em cửa trước thì em lại vòng ra cửa sau ./Em yêu anh cha mẹ đánh trăm roi,/Chứ xong rồi em đứng (ơ) dậy/Mà em quyết tâm thương chàng..." Giọng hát ngọt ngào của Thu Hiền đã dắt em về xứ Nghệ. Ca từ như lời thủ thỉ, âm điệu đẫm đượm yêu thương khiến tim kia có làm bằng sắt cũng phải tan chảy bởi sự đằm thắm của người con gái xứ Nghệ."Giận thì giận mà thương lại càng thương" đằm thắm mà cương quyết, sợi dây trói ngọt ngào đã níu bước chân ai.
      Ngoài kia, nắng gay gắt cho phượng hồng thắp lửa. Ngoài kia, những cánh đồng lúa trải dài như tấm thảm nhiều màu. Đẹp quá, đẹp quá đi! Thật đúng là" Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/ Ai vô xứ Nghệ thì vô..." Vâng, muốn vô xứ Nghệ để cùng anh thăm nhà Bác, leo núi Mộ Dạ thăm đền Cuông, anh nhé!
      "Theo câu chuyện truyền thuyết lưu truyền trong dân gian thì sau khi chạy trốn giặc Triệu Đà đến Nghệ An, An Dương Vương cùng đường... Không còn đường thoát, An Dương Vương rút kiếm chém Mỵ Châu chết rồi phi ngựa chạy thêm một đoạn nữa và gieo mình xuống biển".Mỵ Châu quả thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Truyền thuyết không còn chỉ kể lại trang sử mất nước mà chứa đựng cái nhìn thương cảm cho lứa đôi – khi tình yêu phải đối mặt với âm mưu. Pho tượng đá cụt đầu như lời nhắc nhở: Hãy cảnh giác và luôn luôn cảnh giác với ông bạn láng giềng to lớn của chúng ta
.
Nàng Mỵ Châu ngây thơ nào đâu biết, lời từ biệt của người thương mang mầm họa binh đao.
Lông ngỗng đưa đường, có ai ngờ...Ngọc sáng trong
cho tình yêu khờ dại
Đáng giận mà đáng thương...
Vừa cướp nước lại vừa mơ người ngọc
Giếng Cổ Loa chẳng rửa hết oán thù
Nhắc Trọng Thủy của hai nghìn năm trước
Phản trắc lọc lừa
chẳng thể có tình yêu...
     Đi cùng em anh nhé, bể bạc đồng xanh nước non mình, đâu cũng nên thơ nên nhạc.Nước biển Cửa Lò xanh trong như mời gọi, ta nghỉ chân nghe sóng yêu bờ, thưởng thức các món ăn đặc sản như: mọc cua biển, ghẹ hấp me, cá giò bảy món, các món chế biến từ mực (mực rim, mực trộn tép bưởi, mực nhồi thịt rán, chả mực, mực luộc, mực nháy nướng...) và ngắm hoàng hôn khi chiều về. Tuyệt quá, anh nhỉ?
   (Chặng tiếp theo: Hà Tĩnh)  

P/s: Bài có sử dụng một số tư liệu của hướng dẫn viên du lịch

* Đèo Ba Dội

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.
                                  (Hồ Xuân Hương)

Cầu Hàm Rồng ( Thanh Hóa )  Ảnh của anh Sóng BIển

http://www.vfej.vn/public/Images/content_img/SongMa2.jpg

Sông Mã hôm nay


 


Nem chua Thanh Hóa

Đền Cuông ( Diễn Châu - Nghệ An)

Thành phố Vinh(Nghệ An) ảnh do anh Sóng Biển tặng.

http://www.hoabinhtourist.com/ckfinder/userfiles/images/Cua%20lo.jpg

Nhật ký một chuyến đi...

Nhật ký một chuyến đi...
15:42 16 thg 6 2011Công khai4 Lượt xem 27
      Nghỉ hè thích thật! Chia tay với phấn trắng bảng đen, tạm cất đi những chữ với số em thấy thoải mái vô cùng.Ở entry trước, em đã mong mùa hè dài tới tận ...9 tháng. Hihi... , em ăn rồi lại ngủ. Nghỉ hè...nói như MC Danh Tùng là " nào, mình cùng lên xe buýt, nào mình cùng đi chơi nhé...". Tạm biệt mọi người, em đi chơi đây.
      1. Hà Nam, Ninh Bình.
        Các bạn thân mến! Chúng ta bắt đầu cùng nhau trong một cuộc hành trình đầy sôi động và hấp dẫn. Về với Huế mộng mơ chúng ta sẽ đi qua một số tỉnh Miền Bắc và Miền Trung nước Việt. Tổ Quốc ta hùng vĩ vô cùng, Tổ Quốc ta "xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ Xanh trời, xanh cả những ước mơ...". Tổ Quốc ta thật đẹp qua những bài thơ, bản nhạc. Và giờ đây, chúng ta đang đi, vâng chúng ta đang đi dọc theo chiều dài đất nước. Hãy hát lên bạn nhé, rằng chúng ta yêu Tổ Quốc mình.
      "Em đưa anh về thăm quê em/Về ngã ba sông rực nắng hồng/Sông Châu hiền hòa, sông Nhuệ yêu thương/Hà Nam ơi sông Đáy ân tình/Về Hà Nam em đưa anh về quê mẹ yêu thương...", quê em đó, mảnh đất yêu thương này cũng chính là nơi bắt đầu cuộc hành trình. Xe bon bon trên "con đường mềm như dải lụa" đường quốc lộ mà quanh co uốn khúc thế này, chắc chỉ Hà Nam mới có, ý nghĩ ngồ ngộ khiến em mỉm cười. Hà Nam quê em, một tỉnh nhỏ đến nỗi hình như chẳng có tên trên bản đồ nhưng lại chính là hàng xóm của thủ đô đấy nhé. Hà Nam quê em có núi Đọi sông Châu đã đi vào câu ví" Núi Đọi ai đắp mà cao/ Ngã ba sông Móng ai đào mà sâu", Về Hà Nam, em dẫn anh đi thăm đền bà Vũ thờ người con gái Nam Xương thủy chung yêu chồng tha thiết, bị hàm oan phải tìm đến cái chết để bày tỏ tấm lòng trong trắng, mượn nước sông để rửa sạch tiếng nhơ oan ức để hiểu thêm thế nào là cái mong manh vô cùng mong manh của hạnh phúc đàn bà muôn nơi muôn thuở, để cảm thông, chia sẻ, để cảnh giác, coi chừng dù thề non hẹn biển, dù đã kết tóc xe tơ kẻo mà sơ xuất thì hạnh phúc sẽ tan thành mây khói, muốn cứu vãn cũng chả cứu vãn được nữa đâu. Về Hà Nam, anh sẽ rất thích khi đến thăm làng Vũ Đại - mảnh đất "quần ngư tranh thực" trong những trang viết của nhà văn liệt sĩ Nam Cao, anh sẽ được gặp và trò chuyện với con "cụ Chí", được thăm nhà Bá Kiến - nơi sống và làm việc của một nhân vật đã một thời làm mưa làm gió trong tác phẩm Chí Phèo...Quê em đấy, tiếng trống đồng Ngọc Lũ ngân vang. Quê em đấy, quê của Nguyễn Hữu Tiến - người chiến sĩ đã vẽ cờ Tổ quốc.Quê em đấy, hẹp nhà nhưng tấm lòng rộng mở, hẹn gặp nhé anh...
      Mải nghĩ miên man chút xíu mà xe đã qua cầu Gián khẩu, tới Ninh Bình rồi đó anh. Dòng sông Đáy mênh mang, bình minh lên, sóng gợn lăn tăn như rát vàng rát bạc! "Quê hương mỗi người chỉ một, câu hát theo em đi suốt cả cuộc đời./Câu hát thân thương xao động lòng người, đậm sâu nỗi nhớ ... quê mẹ ... Ninh Bình ơi./Về cố đô ... thăm mảnh đất tình người,sông với núi ... thành bài ca đất nước./Bích Động, Lam Chùa lấp lánh Động Tiên./Mỗi lần thăm Hoa Lư, trăm lần kính yêu./Đẹp biết bao ... ôi mảnh đất mẹ hiền ... vang vọng Kim Sơn, chuông đổ từng hồi./Khúc tình ca thương nhớ đầy vơi, ngọt ngào lời ru ... của mẹ Ninh Bình ơi./Ngọt ngào lời ru ... của mẹ ... Nình Bình ơi. "Vâng, ngọt ngào quá, Ninh bình ơi! Thả hồn trôi theo dòng sông Đáy, cùng em đi thăm Nhà thờ đá Kim Sơn anh nhé. Ôi, tên đất tên người ẩn chứa khát vọng của con người. Này nhé, Kim Sơn là núi vàng cũng như Tiền Hải( Thái Bình) là biển tiền,Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp đều do doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ - người có công chinh phục đất hoang bồi, quai đê lấn biển đặt, ý nghĩa vô cùng. "Ta sẽ cùng nhau thăm Nhà thờ Đá - công trình vĩ đại đã được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục . Với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19 thì chỉ việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây nhà thờ cũng là một kỳ công. Kim Sơn vốn là vùng đất mới khai khẩn, trước đây rất lầy lội. Để xử lý độ lún của khu đất trước khi xây dựng người ta đã chuyển cả một quả núi nhỏ cách 40 km về Phát Diệm. Ta sẽ về thăm núi Sọ, đấy chính là một phần của trái núi đã được dân rời về Phát Diệm để thấy được sức mạnh và sự khéo léo của con người trong việc chinh phục thiên nhiên"
*. Hay em cùng anh đi lễ chùa Bái Đính - một quần thể chùa được biết đến với nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập như chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chùa có nhiều la hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất... để chiêm bái đức Phật để thấy lòng được an nhiên, tĩnh tại. Về với cố đô Hoa Lư, không thể không đến thăm đền vua Đinh vua Lê anh nhỉ? Ở đó, có bức tượng thái hậu Dương Vân Nga với bao truyền thuyết đẹp. "Có một điều rất độc đáo là bức tượng bà Dương Vân Nga có chiều sâu nội tâm thay đổi theo 3 góc nhìn khác nhau. Nếu nhìn chính diện, ta thấy bà hiện lên như một bậc mẫu nghi thiên hạ, đoan trang, phúc hậu, hơi có vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng. Nếu nhìn nghiêng theo bên phải (từ trong ra) bà hiện ra với khuôn mặt buồn bã, tựa như khi chứng kiến cảnh đất nước trước nguy cơ "nghìn cân treo sợi tóc". Còn nhìn nghiêng theo bên trái (từ ngoài vào) ta lại thấy khuôn mặt ấy đã thay đổi: gương mặt bà thanh thoát, tươi tắn hơn với nụ cười mỉm. Cái tài hoa của người tạc bức tượng là ở chỗ: vẫn là một con người nhưng nhìn từ những góc độ riêng ta sẽ thấy hiện lên ba gương mặt, ba tâm trạng khác nhau." * Sẽ rất tuyệt vời anh nhỉ?Về Ninh Bình, về với sông Vân núi Thúy,chiếc giường mây rợp bóng để người hậu phương đón người ra trận trở về trong chiến thắng khải hoàn, huyền tích đẹp sông núi còn ghi **. Chúng mình sẽ cùng nhau ngắm con chim trả màu xanh đang tắm (Dục Thúy sơn) đã làm siêu lòng bao tao nhân mặc khách*** . Còn nhiều, nhiều lắm anh ơi... Hấp dẫn và thích thú vô cùng.
http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2011/04/15/213.jpg


Đường lên chùa Đọi (Duy Tiên - Hà Nam)
http://bientinhthienthu8000.jcapt.com/img1/store/Hanam/ditich/LS21_DenBaVu_1.jpg


Đền Bà Vũ ( Lý Nhân - Hà Nam )


Mộ nhà văn liệt sĩ Nam Cao và Nhà tưởng niệm Nam Cao

http://hoinguoiviet.ru/uploads/news/9_2.jpg


Nhà Bá Kiến( Làng Vũ Đại-Lý Nhân -Hà Nam)

http://hanam.jcapt.com/img1/store/cd126chuoi_copy.jpg

Chuối Ngự  Đại Hoàng (Hòa Hậu,Lý Nhân, Hà Nam)
Tượng Dương Vân Nga trong đền vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư

Tượng Thái Hậu Dương Vân Nga( Ninh Bình)

http://www.dulichninhbinh.vn/index_files/nhathopd_clip_image001MGLM.jpg

Nhà thờ Đá ( Kim Sơn- Ninh Bình)


Chùa non nước-Ninh Bình(Ảnh do Sóng biển tặng)
      


( Chặng tiếp theo: Thanh Hóa - Nghệ An )


P/S: Bài có sử dụng một vài tư liệu của hướng dẫn viên du lịch.
*  tư liệu của hướng dẫn viên du lịch.
** Tương truyền, khi Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống trở về Hoa Lư, Dương Vân Nga đã kê giường bên bờ sông đón và giao hoan với nhà vua, lập tức có gió thổi mây bay đến trên trời soi xuống dòng sông. Từ đó mà sông có tên là Vân Sàng (giường mây).[1] ( theo Wikipedia)
Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có khuôn mặt bầu bĩnh rất phúc hậu song vẫn có nét thanh tú, cao sang. Nước da của bà hoàng hậu họ Dương trắng hồng và cặp mắt phượng, mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ. Nhan sắc bà được mô tả trong cuốn "Hoàn Vương ca tích" (tìm thấy ở Hà Nam). Bà không chỉ đẹp mà còn tràn đầy sinh lực:[3]
“Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân”.
Vẻ đẹp của bà quyến rũ đến nỗi mỗi nước đi cũng làm cả vùng thiên nhiên, cây cỏ xao động, bừng sáng:
“Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm...”.
Chắc hẳn chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều và uyển chuyển của bà đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này Thập đạo tướng quân Lê Hoàn mê đắm. Đó là lý do bà được làm chính cung ở cả hai triều đại nhà Đinhnhà Tiền Lê. (Nguồn intenet)


*** Sông Vân bao bọc ba mặt núi Dục Thúy, chỉ còn một mặt nối với đất liền. Hàng ngàn năm trước chân núi bị sóng biển bào mòn tạo thành vòm đá rộng che kín một góc sông Vân. Đây trở thành địa điểm tránh mưa cho tàu thuyền. Trên núi có hàng trăm bài thơ của các tao nhân mặc khách như: Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà, v.v.

Nước non Non Nước như thơ
Ai về Dục Thúy chẳng ngơ ngẩn lòng
Trên thì núi, dưới thì sông
Cúc vàng còn đó, hương nồng còn đây
.


Sầm Sơn - Biển nhớ!


Sầm Sơn - Biển nhớ!
08:29 8 thg 8 2011Công khai11 Lượt xem 33
     Dự định đi biển từ tuần trước nhưng sợ bão, hoãn, tuần này  anh được rảnh rỗi... Đi nào, nhằm hướng Sầm Sơn ta thẳng tiến!
     9 giờ sáng, đang mơ màng gà gật cùng với nhịp bánh xe lăn, bỗng nghe tiếng lao xao:" Ô kìa, biển!" Ừ nhỉ? biển đây rồi! Em hơi ngạc nhiên, ô biển Sầm Sơn thật đây rồi.Chẳng biết có phải tại em cầu cho sóng yên bể lặng hay không mà sao biển dịu dàng đến vậy. Bọn trẻ có vẻ rất phấn kích, cứ nhấp nha nhấp nhổm.
- Cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau... kìa mẹ...
- Bố ơi, sóng có nghĩa gì đâu nếu chiều nay bọn con chẳng đến, bố nhỉ?
- Ôi trời, nhìn xem, làm gì có sóng..." Bố phán một câu xanh rờn, làm bọn trẻ chững lại, ngạc nhiên.
- Ôi, không, Sầm Sơn mà không có sóng thì khác gì cái bể bơi. Linh xị mặt.
- Ơ hay, thì biển biết Linh vừa mới biết bơi nên biển hiền lành thế để cho Linh tập bơi đấy chứ? Mẹ đùa.
- Thật không mẹ?
- Ừ, thật...
    Này là tắm biển, này là chụp ảnh. Biển hiền hòa, nắng đẹp, bọn trẻ bơi lội, chơi bời, nghịch ngợm thỏa thích. Bố mẹ chỉ bơi được một lúc là mệt, lên bờ, xây lâu đài cát. Hihi... Chẳng còn nét ưu tư lo lắng, chẳng còn những lo toan cơm áo gạo tiền, trước biển, anh và em như trẻ lại. Em vui vui khi thấy tên anh và tên em trên cát, trước cửa lâu đài. Vâng, mình mãi mãi bên nhau, anh nhé! Em hạnh phúc khi anh nheo mắt hỏi:" Em có toại nguyện không?", "Có ạ, được đi chơi cùng anh, cùng các con với em là hạnh phúc!" Vâng, nhìn bọn trẻ nô đùa dưới biển, xinh tươi và rạng rỡ, bên ông xã ân cần dịu dàng, với em, chẳng có gì hơn thế.
     Này thì leo núi, ngắm bình minh.Từ trên cao nhìn xuống, mênh mông trời nước, mỗi con thuyền như một dấu chấm biết đi... Ôi chao, con người nhỏ bé xiết bao trước thiên nhiên hùng vĩ. Câu này mình nói đến lần thứ bao nhiêu rồi không biết. Em tự cười mình. Bình minh lên, trời nước ngợp ngời, bỗng Linh thì thầm:" Mẹ ơi, buổi sáng đẹp thế này mà bố với anh Tuấn cứ ngủ, lãng phí quá đi mất..." Hihi... Con đừng có mà giống mẹ, mẹ thường bị bố chê là lãng đãng đấy. Nhủ thầm trong bụng mà ánh mắt mẹ vẫn vui vui đồng lõa. Đi chơi với Linh là mẹ thích nhất đấy. Mẹ được chiều chuộng nè, mẹ được chăm sóc nè và thích nhất là mẹ có đồng minh trong vụ lãng đãng. Một buổi sáng tuyệt vời, cảm ơn con yêu của mẹ.
     Này thì dạo phố, này thì hóng gió.  Biển đêm bí ẩn và sâu lắng vô cùng. Mảnh trăng non treo đâu đó cùng những chấm sao, ánh sáng chỉ đủ cho biển đêm thêm huyền diệu. Vâng, chỉ có biển đêm là bình lặng thực sự, cả trong lòng biển và trong lòng người… Những lứa đôi yêu nhau thường thích buông mình vào không gian của biển đêm nhiều hơn, phải không anh?Anh cũng tin rằng những đôi lứa yêu nhau thường thích tay trong tay dạo bước giữa biển đêm, để cho một vật vô tri như “cát” cũng bỗng trở mình, biết “thèm lời tình tự”, “thèm sự vỗ về của sóng”, thèm cái cảm giác yêu và được yêu của một con người, phải không anh… Nhưng lòng biển chỉ thực sự bình yên khi lòng người cũng bình yên – mà lòng người chỉ có thể bình yên khi không cô đơn và lẻ loi trước biển, anh nhỉ?
     Bên anh, bên các con, em thực sự đủ đầy. Chẳng biết hát dẫu trăm nghìn lần muốn hát:" Em xin yêu em trọn đời /như con sóng vỗ ngoài biển khơi suốt cuộc đời ôm mãi bến bờ /Sóng mãi bắt đầu cùng bờ như nơi nào trong con tim em . . . /Em xin yêu Anh trọn đời /như con sóng vỗ ngoài biển khơi suốt cuộc đời ôm mãi bến bờ /Sóng mãi bắt đầu cùng bờ như nơi nào trong con tim Em . . . yêu Anh"