Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ


Chiến tranh đã lùi xa, những câu chuyện về chiến tranh đối với lớp người chúng tôi chỉ được biết đến qua phim ảnh, qua sách vở.Cầm trên tay cuốn sách: "Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ" của tác giả Hoàng Liêm ấn tượng đầu tiên đến với tôi là những đôi mắt. Những đôi mắt kiên trung của các anh các chị- những con người mãi mãi tuổi hai mươi. Những đôi mắt ngời lên ánh thép mà vẫn bao dung và độ lượng vô cùng. Nhìn vào những đôi mắt ấy, tôi, bạn hay bất kỳ ai cũng sẽ thấy hổ thẹn khi lỡ làm điều gì sai quấy. Nhìn vào những đôi mắt ấy ta hiểu thêm về cuộc chiến tranh khốc liệt, ta thêm yêu gia đình ta, yêu Tổ Quốc ta và trân trọng những gì mà chúng ta đang có.
      Lật từng trang từng trang, người đọc cảm thấy từng con chữ được tác giả viết nên với niềm trân quý, với một sự cảm động và tự hào. Là một người đã kinh qua chiến tranh trực tiếp chứng kiến sự hi sinh anh dũng của đồng đội tác giả đã phác hoạ được phần nào những năm tháng hào hùng mà gian khó, đau thương mà anh dũng của các gia đình và của cả dân tộc Việt Nam.
      Trong từng trang viết, người đọc như được trực tiếp nghe tác giả kể chuyện và chính tác giả cũng là một nhân vật có thực trong câu chuyện đó, chân thực và xúc động vô cùng.Từng mạch hồi ức đan xen khiến người đọc hình dung ra sự khốc liệt của chiến tranh. Ở đó, người đọc bắt gặp những chàng sinh viên sẵn sàng từ giã giảng đường mang theo ước mơ và hoài bão của người trai thời chiến, quyết chí lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả hoàn cảnh gia đình đã có tới ba liệt sĩ. Ở đó có những khoảnh khắc một mất một còn và hơn hết ở đó có những tình bạn, tình đồng chí thật đáng trân trọng và cảm phục. Còn gì quý hơn mạng sống của mình thế mà khi đối diện với cái chết các anh đã sẵn sàng hi sinh bản thân mình để yểm trợ cho đồng đội, cho thương binh. Chắc hẳn khi thét lên:" Chạy đi... Thương binh... Bị phục rồi..." anh Khải cũng chả nghĩ nhiều đến thế, chỉ mong sao cho đồng đội được an toàn. Đọc đến đây, quả thực tôi đã không cầm được nước mắt. Ở đó có những khoảnh khắc chân tình khi tác giả kể lại đêm ngủ rừng đầu tiên, về những đôi chân học trò đạp bằng gian khó theo tiếng gọi của miền Nam, về những đêm ngủ rừng cùng ôn kỷ niệm về Hà Nội, về những điều giản dị trinh nguyên.
     Người đọc còn thực sự xúc động trước sự hi sinh âm thầm và cao đẹp của những người phụ nữ trong cuốn sách này.Ai có thể quên được hình ảnh mẹ chạy theo đoàn tàu tiễn con ra trận mà không hề biết tới gạch đá dưới chân mình.Lòng mẹ nghĩ gì...? Lần gặp con này  là lần gặp cuối... có thể lắm chứ?.Hình ảnh mẹ già chới với trong chiều mưa ấy không những ám ảnh các anh mà còn lưu lại trong lòng người đọc như những thước phim vô giá. "Nhát dao cùn day dứt cứa người đang sống/Có nỗi đau nào hơn thế này không?" mỗi lần đọc lại những dòng thơ này trong lòng tôi lại hiện ra cảnh mẹ vật vã thở than kìm nén để rồi oà vỡ trong tiếng khóc cháy lòng lúc giao thừa:"Khới ơi!... Kiêm ơi! Vư...ợng ơi! Tường ơi... ời! Các con tôi...ôi đ...a..ng ở đâ..u? Ai đư..ưa các con tôi đi...? Ai đưa chú..ung về cho tôi....? Trời ơi... ời!" Những câu hỏi không có lời giải đáp, đau đớn đến xé nát tâm can. Ngày chiến thắng khải hoàn rực rỡ cờ hoa riêng mẹ vẫn âm thầm." Anh có biết thằng Tường nhà tôi ở đâu không?" Bao nhiêu lần hỏi bấy nhiêu lần thất vọng khiến mẹ lả đi, mẹ ngã quỵ. Mẹ có biết khi đang viết những dòng này con khóc, mẹ ơi!.
     Nỗi buồn nào hơn nỗi buồn của người vợ mới cưới phải khoả lấp trong lời ca tiếng hát mong cho chồng đi "chân cứng đá mềm" cuối cùng cũng bật lên sau cái lắc đầu kìm nén:" Còn Mỹ - Diệm ở miền Nam. Em sợ lắm! Em sợ lắm! Nỗi sợ âý bật thành tiếng khóc lúc chia tay. Anh chia tay chị để đi mãi không về. Hình ảnh chị đứng lặng một mình cùng chiếc khăn dù vẫn bay bay trong gió không chỉ khắc ghi trong tim người chiến sĩ mà còn lưu dấu mãi trong lòng những người đang sống.Người vợ trẻ, người dâu thảo hiền ấy cũng anh dũng hi sinh để bảo vệ quê hương. Lòng người mẹ chồng lại khắc thêm một nhát dao cùn day dứt nữa... Rồi chị Lệ, chị Phương...tình yêu của các chị đã âm thầm tiếp thêm sức mạnh cho các anh. Anh đi rồi nhưng hình bóng anh cùng với mối tình mộc mạc thanh khiết ấy chắc chắn vẫn in đậm trong tim chị suốt cả cuộc đời.
     Người đã đi rồi, yên một nhẽ nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn đắng lòng những người đang sóng, những đồng đội của các anh, người thân của các anh. Qua lời kể mộc mạc chân tình người đọc còn thực sự xúc đọng trước những tình cảm của những người đồng chí đồng đội của các anh. Mái đầu xanh xưa kia, giờ đây đã điểm hoa râm nhưng chưa làm tròn lời ước hẹn vẫn bật lên lời nức nở" Bùi Khắc Cường- Giờ nầy anh về đâu?" Người còn sống thay "các anh" chăm lo báo hiếu cho má, cho chị, cho em..." Các anh" ơi, hãy yên lòng, anh nhé!Tình đồng đội nặng mang khiến giờ đây mỗi đêm trăng vắng bạn, chén rượu tiêu sầu đắng đót, uống mà ngỡ uống cả ruột gan mình.
     Khi những trang sách cuối cùng khép lại, tôi đã tự nhủ lòng mình:" Mình phải viết, phải ghi lại những xúc cảm đang trào dâng trong lòng" bởi tôi biết những xúc cảm đó không dễ gì có được trong cuộc sống xô bồ chộn rộn thường ngày. Lớp trẻ chúng tôi hôm nay luôn luôn ghi lòng tạc dạ công ơn và sự hi sinh to lớn của các anh, các chị - những anh hùng trong trái tim tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét