Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Giá như... " Nỗi buồn tương tư man mác...

"Giá như... " Nỗi buồn tương tư man mác...
Giá em đừng có hát hay
Mắt đừng lúng liếng, lông mày đừng cong
Người đừng thắt đáy lưng ong
Thì không gặp cũng chẳng mong chẳng buồn
Mênh mang chẳng rõ ngọn nguồn
Vì đâu mà phải luôn luôn hững hờ
Yêu nhau mà phải giả vờ
Trái tim còn khổ hơn chờ kiếp sau.
                             VTA 12/2009
Lời bình:
    Ở đâu đó ta có thể bắt gặp những vần thơ tương tư với nỗi niềm mong nhớ bâng khuâng, vời vợi : "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người.." (Nguyễn Bính) hoặc hiện đại hơn một chút: " Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em..." (Xuân Diệu) hay khi nỗi nhớ dâng lên cao độ thì cách diễn tả cảm xúc càng ồn ào:"Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh.../Anh nhớ em, nhớ lắm, em ơi!"( Xuân Diệu). 
 
    Thế nhưng, để diễn tả cái trạng thái tương tư, Người Lẩm Cẩm lại nhẹ nhàng trách cứ:
Giá em đừng có hát hay
Mắt đừng lúng liếng, lông mày đừng cong
Dáng đừng thắt đáy lưng ong
Thì không gặp cũng chẳng mong, chẳng buồn
   
     Bằng vài nét chấm phá người đọc đã hình dung ra hình ảnh hồng nhan tri kỷ của anh, nàng thật đẹp trong lòng người yêu dấu. Tại em đẹp cho lòng anh mong nhớ, tại em hiền ngoan cho tim anh xốn xang, tại giọng em trong ngần làm anh bần thần day dứt...Tại em, tại em cả đấy...Chẳng cách nào xoa dịu nỗi tương tư, chẳng cách nào làm vơi đi cái khát khao cháy bỏng, cái bồn chồn mong nhớ tác giả đã để cho nhân vật trữ tình của mình ước ao: "Giá em đừng...". Phải rồi, nếu như em "đừng" đẹp, hiền, ngoan như thế thì có lẽ anh còn tự dằn lòng mình lại, mặc dù anh biết rất khó khăn.  Ðêm ngủ không yên, ngày tơ tưởng mặt, lòng nặng trĩu sầu tương tư. Chàng nhớ lắm. Ở nơi nào đó, nàng đang ngồi bên song cửa, chàng muốn hỏi ai kia rằng lòng nàng có như tấm lòng chàng? Có thấy cô đơn, có cần người chia xẻ, có thắt thẻo đợi chờ?
   
    Tương tư, nghĩ cho cùng là nỗi ám ảnh day dứt về không gian và thời gian.Nếu tương tư bởi một tình yêu đơn phương thì ta sẽ thấy sự băn khoăn day dứt của chờ đợi có thất vọng nhưng đôi khi còn ánh lên một chút hy vọng rằng một ngày kia người dấu yêu cảm nhận được cái tình để đơn phương biến thành song phương để " bến " được gặp "đò", để "hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau". Nếu tương tư bởi xa cách, dẫu có hoang hoải nhớ nhung nhưng còn hi vọng có ngày người yêu được tay trong tay với người yêu dấu. Nhưng hoàn cảnh trong bài thơ này mắt người yêu đã "lúng liếng " tỏ bày hẳn là chẳng phải đơn phương, " không gặp" chứ chẳng phải trở sông cách núi... Không thể cùng  nhau bởi mỗi người tự phải kiềm chế bản thân, bởi những tréo ngoe của kiếp người nên chàng chấp nhận tương tư, chấp nhận cái trạng huống "yêu nhau mà phải giả vờ"... Tứ thơ mênh mang buồn khiến người đọc bâng khuâng . Nhịp thơ nghẹn lại như lời thở than, hờn trách:
"Mênh mang chẳng rõ ngọn nguồn
Vì đâu mà phải luôn luôn hững hờ"
   
     Vì em, vì anh hay tại tiền duyên kiếp trước... Trách trời cao kia khéo trêu đùa, khiến người yêu người mà không dám ngỏ.  Cái "hững hờ" cố ý, cái "luôn luôn" tự nhắc nhở mình khiến cho tình yêu càng lắng đọng, nỗi tương tư càng chua xót vì không dám cùng ai chia xẻ, tỏ bày. " Vì đâu.." câu hỏi mà không nhằm mục đích để hỏi đọc lên nghe sao mà ai oán, quắt quay.

     Lỡ nhung nhớ, lỡ tương tư, phải dằn lòng, chẳng được cùng nhau bởi những hoàn cảnh trớ trêu, nỗi đau kể sao cho hết, nó in hệt như lưỡi dao bén ngọt, cứa vào da thịt mà chẳng thấy đau:
Yêu nhau mà phải giả vờ
Trái tim còn khổ hơn chờ kiếp sau.
 
     Bệnh tương tư thì không chỉ gây đau đớn mà còn giày vò, thiêu đốt trái tim “ con bệnh” khiến cho anh chàng ( trong bài thơ ) hết sức khốn khổ vì yêu.

     Tuy nhiên, con bệnh của tình yêu thì khác các con bệnh thông thường. Đó là người ta vừa cảm thấy khổ sở, thậm chí khổ sở đến mức không chịu đựng nổi vì nỗi nhớ nhung của tình yêu giày vò lại vừa có cái sở thích oái ăm là vẫn cứ mong được sống mãi trong nỗi nhung nhớ đó mà không hề có ý định “ điều trị” bằng cách lãng quên.

     Những lời than thở, trách móc dường như để cân bằng với nỗi khổ tương tư, những hình ảnh thơ không mới,nhịp thơ mềm mại tự nhiên rất gần gũi với ca dao khiến bài thơ dễ nhớ dễ thuộc nhưng cái tứ thơ độc đáo gây ấn tượng cho người đọc. Tình cảm và lý trí đan xen, biết rằng "trái tim còn khổ" nhưng  "Giá như..." của Người Lẩm Cẩm cùng với nỗi buồn tương tư man mác đã dành tặng cho người đọc một cung bậc đặc biệt của tình yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét