Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Đọc "Lục bát nhặt trong cỏ" của An Thảo

Đọc "Lục bát nhặt trong cỏ" của An Thảo
12:19 27 thg 9 2009Công khai4 Lượt xem 16
          LỤC BÁT NHẶT TRONG CỎ( bài đăng trên lucbat.com)

                              An Thảo


Lỡ không sánh vạt, áo nhàu
Sóng ơi đừng vỗ chi đau mạn thuyền

Trả vòng, trả nhẫn, trả khuyên
Cỏ về với cỏ, lá xiên vỡ trời

Lòng vả cũng như lòng người
Lòng sung nào khác lòng tôi, lòng mình.

A.T

Lời bình
Có bao nhiêu hoàn cảnh để người yêu không đến được với người yêu thì cũng có bấy nhiêu cách ứng xử. Cách ứng xử trong: "Lục bát nhặt trong cỏ" cuả An Thảo đã làm người đọc ám ảnh.
Bài thơ được mở ra với không gian của sự lỡ dở,“Lỡ không sánh vạt, áo nhàu/Sóng ơi đừng vỗ chi đau mạn thuyền” nghe sao mà da diết.Nó vừa nồng nàn vừa đắm say, vừa bản năng vừa tỉnh táo của người phụ nữ biết yêu và biết đau. "Sóng ơi đừng vỗ" tác giả nhắc nhở ai hay tự dặn lòng mình người đọc cũng hoang mang chẳng biết nhưng chắc chắn người đọc cảm thấy nỗi đau đang bóp nghẹt trái tim nhân vật trữ tình trong bài thơ. Các điệp từ"trả" ,"cỏ" dồn dập xuất hiện làm người đọc cảm thấy cách ứng xử rất đẹp của cô ấy. Ta muốn trả cho người tất cả những kỷ vật, những ký ức, những hoài niệm đang làm trái tim ta rỉ máu. Ta muốn là ta, hiên ngang, kiên cường, không trở ngại bão giông nào có thể làm ta gục ngã." Cỏ về với cỏ, lá xiên vỡ trời" Những tưởng ta sẽ trở về chính là ta thuở trước nhưng khi những đớn đau giằng xé qua đi, tất cả những kỷ niệm, những cảm xúc ngọt ngào và cay đắng... tất cả, tất cả vẫn ngân lên trong con tim mềm mại nữ tính của ta, khiến ta cảm thấy bất công với chính bản thân mình.
 Có thể ai đó nói rằng hai câu thơ cuối làm cho bài thơ bị gượng ép nhưng với tôi đó là điểm nhấn của bài thơ. Nó giống như một thứ ánh sáng nhân văn lấp lánh mà đọc lần đầu không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Ừ nhỉ? " Lòng vả cũng như lòng sung"câu thành ngữ với ý tứ sâu xa được ẩn trong đôi lục bát. Hai người chung nhớ, chung đau cùng nhau chịu đựng những cảm xúc đang bóp nghẹt trái tim. Thấu hiểu niềm đau ấy họ mới đủ dũng khí để vượt qua hoàn cảnh này một cách kiên cường và kiêu hãnh. Hay cũng có thể hiểu: Tôi, bạn và ai kia nữa nếu lỡ trong hoàn cảnh này thì cũng đớn đau, hoang hoải nhưng tác giả mong muốn rằng tất cả những người phụ nữ, những bạn, những em trong hoàn cảnh đó...nếu đọc bài thơ này có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn đôi chút khi biết rằng mình không phải là ngoại lệ....
Ta nhặt nhạnh được gì sau những con chữ mỏng manh kia? Phải chăng là chút bình yên mà tác giả ngầm nhắn gửi. Cảm ơn nhé, cảm ơn những vần thơ thật tuyệt vời.
                                                                                                            (HHT)


       Tôi thích bài thơ này! Bài thơ "Lục bát nhặt trong cỏ của An Thảo".
        Bài thơ lục bát rất ngắn nhưng rất đủ để tôi cảm nhận được cái trớ trêu của sự lỡ hẹn bất thành của đôi lứa trong cuộc yêu đương, thề non hẹn biển của mối nhân duyên.
"Nếu không sánh vạt, áo nhàu.
Sóng ơi đừng vỗ chi đau mạn thuyền".

       Ô hay! Sao trong tình yêu lại có sự mặc cả thế nhỉ.
       Cái mặc cả của sự lỡ dở không thành đôi trong thơ được An Thảo nói ra bằng một câu thơ mà thấy lo sợ tan vỡ, nó xót xa đến xé lòng. Dù cho duyên phận của mối tình có như thế nào đi chăng nữa, đến được với nhau hay không thành vợ thành chồng thì cũng cư xử với nhau tế nhị và là bạn của nhau mãi mãi, xin đừng thay tâm đổi tính như thay áo. Hoặc nếu hoàn cảnh nào bắt dời xa nhau thì hãy nâng niu mối tình này như một kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ về nhau. Xin đừng hất đổ để làm tổn thương nhau. Phũ phàng lắm người ơi.
        Dẫu tơ lòng vẫn muốn như lời nhắn nhủ. Nhưng ở đời, trong thực tế khi con thuyền lướt sóng thì sóng phải vỗ vào mạn thuyền chứ sóng vỗ vào đâu. Và như thế thì hình ảnh của mối tình này trong thơ khi tan vỡ chắc chắn sẽ là nỗi đau sẽ gào xé cõi lòng.
      Tác giả dùng hình ảnh ngược của mạn thuyền và sóng vỗ để chỉ nỗi đau nhân duyên nếu không thành chứ không phải là tiếng sóng vỗ nhè nhẹ mạn thuyền như ru tình của những tác giả khác. Đấy là nét độc đáo trong thơ của An Thảo.
Trả vòng, trả nhẫn, trả khuyên.
Cỏ về với cỏ, lá xiên vỡ trời.

        Khi đọc đến câu thơ này tôi lại nhớ tới bài hát của một nhạc sỹ nào đó thời trước năm 1975 với tựa đề “Nhẫn cỏ trao em”. Khi mối nhân duyên chẳng thành thì còn gì nữa đâu mà không trả hết. Níu kéo làm gì để cho lòng thêm đớn. “trả vòng, trả nhẫn, trả khuyên”  nó giống như câu ca dao “Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên”.
         Vòng, nhẫn, khuyên kia có thể bằng vàng quý giá hay chỉ là đồ sắt xi, mạ rẻ tiền nhưng nó có giá trị duyên nợ, giao kèo, giá trị thay cho lời ước hẹn. Cái vòng, cái nhẫn, cái khuyên kia lẽ ra là minh chứng, là kỷ vật thiêng liêng bảo đảm cho sự hạnh phúc ngọt ngào của đôi lứa nếu nên duyên chồng vợ. Nhưng đau đớn thay vì “không sánh vạt áo nhàu” nên ta cũng chẳng giữ làm gì cho cõi lòng thêm nhói đau mỗi khi nhìn thấy nó. Thôi thì xin trả cho nhau như trả hết lương duyên, trả hết nợ nần để kiếm tìm cho cõi lòng lứa đôi thanh thản. Nói là thanh thản thế thôi nhưng trong lòng cũng tổn thất, dày vò và đớn đau lắm đấy.
         Anh đi đường anh, em đi đường em, mỗi người mỗi ngả có vẻ như kiêu hãnh mà cõi lòng ai cũng nát tan, căm giận cái sự chia ly không thành. Đau đớn ấy như mũi giáo đâm vào trái tim làm tổn thương đôi lứa. Chỉ có đất trời mới thấu hiểu nỗi đau. Lá cỏ “xiên vỡ trời”, cái hình ảnh tưởng mềm mại mà khi gặp nỗi đau thì trở lên sắc lẻm. Đó chính là tận cùng của nỗi đớn đau, tiếc nuối.

 

 
Lòng vả cũng như lòng người
Lòng sung nào khác lòng tôi, lòng mình.
        Hai câu thơ này là đoạn kết của bài thơ. Nếu ta ngắt riêng thì ta thấy như nó chẳng ăn nhập gì. Nhưng tôi thấy đây lại là hai câu thơ kết rất tuyệt vời đấy chứ. “Lòng vả cũng như lòng sung”. Ở đây An Thảo đã khéo sắp đặt, phá cách thành ngữ này để đưa vào hai câu thơ cuối một cách hợp lý và trọn vẹn như một lời căn dặn, nhắn nhủ, dăn đời.
        Con người ta ai cũng giống nhau, cũng có tâm hồn, biết mê đắm, biết tỉnh ngộ, biết yêu thương, biết ghét bỏ, biết sung sướng và biết buồn tủi. Thế nên khi đã yêu thương nhau thì hãy nên thắp lửa cho nhau, vun đắp, chăm chút cho cuộc sống của nhau trọn vẹn. Đau nỗi đau của nhau, buồn nỗi buồn của nhau, vui niềm vui của nhau. Đó là lòng bao dung. Đó là tình người biết cảm thông chia sẻ. Đó là tính vị tha, biết đấu tranh với bản thân để dẹp cái tôi của mình sống chan hoà và hy sinh vì người khác.
        Chia tay đau đớn, tổn thương không phải là một người mà khi mất mát thì đau đớn là cả hai cùng gánh chịu đau khổ giống nhau. Sức chịu đựng của con người cũng có hạn và ai cũng như ai. Thế nên khi yêu hãy khảng định mình là con người nghị lực vượt qua ngang trái cuộc đời, chiến thắng hoàn cảnh.
        Hãy yêu nhau đi và cùng nhau vun đắp cho tình yêu ngày một xanh tươi, đơm hoa kết trái. Đừng bao giờ phũ phàng, ruồng bỏ để làm đau đớn, tổn thương đến nhau! 
        Đau lòng lắm người ơi!
        Xin đừng!!!

             Lính già - Nguyễn Bảng, ngày 23.10.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét