Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Tia sáng khiêm nhường

Tia sáng khiêm nhường
10:56 16 thg 11 2012Công khai140 Lượt xem 40
Tia sáng khiêm nhường (Bài của con trai Phạm Thanh Tuấn)
     Thật là một ngày đáng buồn cho những ai có sở thích đi dạo ngoài trời! Từ sáng sớm những cơn gió lạnh buốt đã rít từng hồi qua mái hiên, hắt vào cửa sổ những giọt mưa li ti tưởng chừng đã đông cứng thành đá. Không có nắng, bầu trời mang một màu xám nhạt khiến người ta gợn lên chút cảm giác lo lắng vẩn vơ. Sự vắng vẻ bên ngoài đã thôi thúc tôi trở vào nhà. Giả như sáng nay mọi người trong gia đình tôi có mặt đầy đủ thì cũng không đến nỗi nào, có thể ngồi quây quần trò chuyện. Thế nhưng bố mẹ tôi thì về quê thăm hỏi họ hàng, anh tôi thì đi làm từ sớm nên chỉ còn lại mình tôi trong buổi sáng mùa đông tẻ nhạt. Vừa khép cánh cửa lại, mọi âm thanh và hình ảnh gợi nên cái lạnh khắc nghiệt kia, và cả chính nó dường như cũng không còn tồn tại. Căn phòng ấm áp lạ thường. Tôi ngồi trên chiếc ghế bành, phủ áo khoác lên người, cảm thấy mình giống nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết cổ điển nào đó. Trong đầu tôi lúc ấy tự dưng nảy ra một ý tưởng thật điên rồ, thôi thúc tôi lao ra ngoài trời đông rét mướt kia. Phải chăng đó chính là một phần bản ngã của con người không thể nào gạt bỏ, là can đảm hay dại dột?
Lạnh là khái niệm mang tính tương đối. Thật thế, nếu bạn vừa nhúng tay vào nước nóng rồi lại nhúng ngay vào nước có nhiệt độ thường thì thấy lạnh, tương tự như cầm cục nước đá rồi nhúng tay xuống nước lại thấy ấm. Như vậy, nóng hay lạnh còn tuỳ xem bạn xét hệ quy chiếu nhiệt độ nào. Thế nhưng liệu có lí thuyết vật lí nào giải thích hộ cảm giác của tôi lúc này, khi đang nhìn thân cây oằn mình theo gió mạnh trước sân nhà qua khung cửa sổ mà không nghe thấy tiếng gió rít và cành lá xào xạc, như thể bạn xem phim tài liệu chiến tranh mà không nghe thấy tiếng bom nổ vậy. Tôi cảm thấy một cái lạnh vô hình len lỏi giữa chăn bông và lò sưởi, một cái lạnh được nhân lên gấp bội khi thấy thân cây ấy chịu sự tra tấn cắt da cắt thịt trong câm lặng? Chẳng phải hét lên là cách giải quyết nỗi đau tốt hơn sao? Điều ấy thì còn phải dựa vào hệ quy chiếu của cuộc đời này. Nhưng thôi, có lẽ tôi đã để đầu óc mình liên tưởng đến quá nhiều thứ mất rồi. Dù sao tôi cũng đang ở trong môt căn phòng ấm áp, tiện nghi, một vài cuốn sách để giải trí và cốc cà phê sữa đang bốc khói. Thế là đủ cho một buổi sáng như thế này, tôi nghĩ vậy. Biết chọn cuốn nào bây giờ? Tôi trầm ngâm một lúc, rồi với tay lấy đại một cuốn sách trên giá. Đồi gió hú – cuốn sách anh tặng tôi hồi trước. Tôi có cảm giác chẳng phải ngẫu nhiên mình lại chọn nó, nhưng rồi tôi cũng ngồi xuống và chú ý vào tác phẩm. Một tờ giấy rơi ra, một bức thư. Tôi nhận ngay ra nét chữ còn mới của anh. Anh để vào từ bao giờ thế nhỉ? Bức thư gửi cho tôi, cũng giống như bảy năm về trước...
Anh gọi bố tôi bằng chú vì anh không phải anh ruột của tôi. Cha mẹ anh qua đời vì một tai nạn, bố tôi đã nhận nuôi anh từ hồi tôi còn nhỏ. Lúc ấy anh cũng còn đang đi học, cú sốc lớn quá sức chịu đựng khiến anh im lặng trong một thời gian dài. Tôi còn nhớ gương mặt anh lúc ấy, thoạt đầu đã khiến tôi hơi sợ hãi. Bây giờ mỗi khi hình dung lại tôi liên tưởng đến một pho tượng đá trải qua thăng trầm của bao thời đại và nỗi khổ đau của nhiều thế hệ. Pho tượng ấy vô hồn quá, cũng tựa như những tảng đá xung quanh đều trơ cảm xúc. Cái gì đã khiến nó trở nên như vậy, người thợ đá không khéo tay hay những biến cố đã mài mòn nét mặt? Có thể là cả hai chăng?
Hồi đầu khi nghe tin có một người xa lạ sẽ về sống với gia đình mình, tôi thầm hi vọng đó là một người anh mạnh mẽ, giỏi giang để có thể hỏi những bài toán khó, để bênh vực mình trước sự trêu chọc của bạn bè, và biết bao lí do khác nữa. Với một đứa trẻ như tôi, có một người anh chị hoặc em để trò chuyện, vui đùa, chia sẻ là một chuyện không thể vì mẹ tôi không thể sinh thêm được nữa, thế nên khi biết mình sắp có anh tôi vui biết chừng nào. Nhưng tôi còn quá nhỏ để suy nghĩ và lường trước mọi việc, nên anh đã khiến tôi thất vọng vô cùng. Anh chẳng vui vẻ hoạt bát, cũng chẳng biết chuyện trò. Tôi lại nhút nhát nên chẳng bao giờ dám bắt chuyện với anh. Thậm chí nỗi buồn của anh như lây sang cả căn nhà khiến tất cả đều im lìm và thiếu sinh khí. Bữa ăn đầm ấm của gia đình dường như không còn nữa. Cha mẹ tôi tỏ ra rất yêu thương và quan tâm đến anh. Hai người tìm mọi cách để anh cảm thấy đây cũng là gia đình của mình nhưng dường như không có kết quả. Anh vẫn hoàn toàn biệt lập với mọi người. Tôi cũng chẳng muốn quan tâm đến anh.
Có vẻ anh hoàn toàn không bị ảnh hưởng chút gì bởi tình cảm bố mẹ tôi dành cho, nhưng tôi thì lại có. Tôi là một đứa trẻ hơi khác với bạn bè cùng lứa tuổi. Thay cho việc nô đùa chạy nhảy ngoài trời, hoặc tham gia trại hè cùng những hoạt động khác, tôi thích đắm mình trong trí tưởng tượng vô cùng phong phú và luôn xuất hiện nhiều điều mới mẻ. Những cuốn sách luôn là người bạn thân bên cạnh tôi. Tủ sách của tôi thỉnh thoảng lại có thêm thành viên mới do bố tôi biết rõ sở thích này của con gái. Với một đứa trẻ như thế lại chẳng có anh chị em, chỉ biết sống trong thế giới tưởng tượng của mình, việc bố mẹ thiếu quan tâm thật là nguy hiểm. Nhưng hồi ấy tôi đâu giải thích được mọi chuyện rõ ràng như thế. Tôi chỉ cảm thấy hụt hẫng khi điểm mười chỉ được đáp lại bằng nụ cười thoáng qua của bố, hay khi nấu cơm ngon thì mẹ chỉ khẽ gật đầu. Tại sao lại thế? Trong đầu óc non nớt của tôi xuất hiện rất nhiều giả thuyết. Đầu tiên là có thể do mình chưa ngoan lắm. Thế là tôi lại cố gắng dậy sớm học bài và dọn dẹp nhà cửa, rồi vừa đi học về lại phụ giúp mẹ nấu cơm. Tôi cố gắng hết mức để ngoan nhất có thể. Vậy tại sao bố mẹ lại không khen như ngày trước, khi mà một lần đứng đầu lớp cũng được đi chơi công viên? Rồi dần dần sự ghen tị đã mang lại cho tôi câu trả lời: tất cả là tại anh. Chẳng phải lúc nào anh cũng dành được sự chú ý của bố mẹ đó sao, thế mà anh chẳng thèm để tâm đến chút nào. Buổi tối bố hoặc mẹ lại dành thời gian vào nói chuyện với anh, còn tôi thì chỉ được hỏi đến một cách qua loa. Tôi cảm thấy thật bất công, dù sao anh cũng chỉ là một người xa lạ chẳng hề quý trọng mọi người trong gia đình, việc gì bố mẹ phải quan tâm nhiều như thế? Tôi lại trách bố mang anh về để mọi việc xáo trộn cả lên. Những dòng suy nghĩ miên man cứ chạy tới chạy lui trong đầu tôi cùng sự ấm ức trẻ con, và hệ quả của nó là nước mắt tôi đã lăn dài. Đêm ấy, thật may vì tôi đã để cửa sổ mở, để cơn gió nhẹ vào mơn man khuôn mặt và hong khô những giọt nước mắt. Thật lạ là tôi chẳng gặp phải ác mộng như mình tưởng, mà trái lại giấc mơ ấy vô cùng êm ái và lãng mạn, cũng chẳng kém phần táo bạo, chỉ có điều khiến hôm sau tôi hơi buồn ngủ mà thôi. Thế nhưng sự thực thì vẫn chẳng hề thay đổi, tôi lại buồn thỉu buồn thiu. Chẳng có ai chia sẻ, tôi chỉ biết lôi mấy cuốn sách ra đọc lại, không ngờ lại càng buồn hơn. Liệu tôi có rơi vào hoàn cảnh như các nhân vật trong truyện không? Nỗi lo cứ lớn dần khi tôi đọc Không gia đình và nhớ lại lời bác hàng xóm sáng nay: “Ông ấy lo cho thằng bé hơn cả tôi lo cho con tôi. Chắc tại không có con trai nên mới thế!”. Tôi nửa muốn tin tưởng bố, nửa lại cảm thấy hoài nghi vô cùng. Tôi biết bố muốn mẹ sinh em trai từ lâu. Phải chăng chính vì thế bố đã mang anh về? Và bố chẳng cần mình nữa ư? Tôi bật khóc vì sự logic không ngờ ấy. Thế rồi tôi ngủ quên lúc nào chẳng hay.
Mấy ngày sau tôi đâm ra sợ bố. Hình như bố mẹ cũng nhận ra điều gì đó nên hỏi tôi có chuyện gì không, nhưng tôi chẳng dám nói gì cả. Tôi chỉ sợ nói ra tất cả sẽ đổ vỡ, mặc dù chẳng mấy khả năng chuyện ấy sẽ xảy ra. Suy nghĩ của tôi đơn giản đến mức cứ giả vờ như chẳng sao cả rồi thì mọi thứ sẽ qua đi. Nhưng sự lo lắng và bất an trong tâm hồn thì sao? Mẹ nói chuyện với tôi nhiều hơn, nhưng bố thì chẳng nói gì cả. Có lẽ bố không cần tôi thật rồi. Một hôm tôi cảm thấy rất mệt và không thể ngồi dậy được, thế rồi mẹ gọi tôi ăn sáng. Khi không thấy tôi trả lời, mẹ chạy đến giường và nhận ra tôi đã bị ốm. Mẹ hốt hoảng bế tôi lên và tôi không nhớ rõ chuyện gì xảy ra tiếp theo. Mọi thứ cứ mờ ảo như những tấm ảnh bị thấm nước. Khi tỉnh dậy thì mẹ đang ngồi bên cạnh tôi, đầm đìa nước mắt. Tôi hỏi mẹ:
-         Con bị làm sao hả mẹ?
Mẹ nghẹn ngào trả lời tôi:
-         Không sao đâu con ạ! Tất cả đã ổn rồi.
Rồi mẹ ôm chầm lấy tôi, nước mắt vẫn tuôn rơi:
-         Mẹ xin lỗi con! Mẹ là người mẹ không tốt, đến con mình mà cũng chẳng quan tâm được! Con có giận mẹ không?
Tôi vội vàng nói, mặc dù chưa hiểu chuyện gì xảy ra:
-         Không, con không giận mẹ chút nào. Nhưng sao mẹ lại hỏi thế?
        Rồi mẹ kể lại đầu đuôi câu chuyện. Tôi đã bị mê sảng do hoạt động thần kinh quá sức, và đã khóc lóc cầu xin bố mẹ đừng đuổi mình đi. Tôi cũng chẳng biết tại sao mình lại đến nông nỗi ấy, nhưng qua đó bố mẹ tôi đã hiểu tất cả. 
-         Ôi con gái của mẹ! Không ngờ con lại nhạy cảm đến thế. Tất cả mọi chuyện cũng tại bố mẹ quá vô tâm, cứ nghĩ đơn giản quá. Khi thấy con giỏi giang ngoan ngoãn, bố mẹ lại tưởng là do con biết tự lập từ sớm nên rất mừng. Tuy nhiên việc của anh con thì không khiến bố mẹ có được niềm vui trọn vẹn. Từ giờ trở đi, hãy hứa với mẹ không được nghĩ linh tinh như vậy, bố mẹ luôn bên con mọi lúc con cần. Dù bố không hay nói ra nhưng bố yêu con nhiều lắm biết không?
-         Nhưng bố hình như không còn yêu con như trước nữa, - tôi ấm ức. Con ốm mà bố chẳng thèm đến...
Rồi tôi oà khóc như thoả nỗi lòng. Mẹ lại vỗ về tôi:
-         Con hiểu nhầm rồi. Bố đang ở ngoài hành lang ấy. Bố rất quan tâm đến con. Thậm chí bố còn nhạy cảm hơn cả mẹ nữa. Thực ra cũng tại việc khó nói. Bố nghĩ rằng con đang bước vào tuổi dậy thì, giai đoạn phát triển tâm sinh lí nên để mẹ chia sẻ sẽ thích hợp hơn. Khi con có vấn đề bố mẹ đâu có ngờ nguyên nhân lại sâu xa đến vậy. Thôi con đừng khóc nữa, và cũng đừng lo lắng hay sợ hãi, vì hãy nhớ ở trên đời chẳng ai yêu con bằng bố mẹ đâu.
      Mọi chuyện đã được sáng tỏ khiến tôi nhẹ cả lòng. Giấc ngủ sau đó mới tuyệt làm sao! Chiều hôm ấy tôi đã từ bệnh viện về nhà. Tôi làm lành với bố rất nhanh, vì bố đã dẫn tôi đến hiệu sách và mua cho tôi bao nhiêu thứ. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đây, dường như hệ quả của nó kéo dài đến tận bây giờ.
      Sau ngày hôm ấy, không chỉ tôi thay đổi tích cực mà sự thay đổi ấy còn xuất hiện ở anh. Tự dưng trong bữa ăn anh thưa chuyện với bố mẹ, và có một cử chỉ khó hiểu như muốn làm thân với tôi. Tôi thì vẫn hơi ngại khi tiếp xúc với anh. Một vài ngày sau anh xin bố cho đi học tiếp làm bố mẹ rất vui lòng. Tôi vẫn nhớ cái không khí buổi tối hôm ấy, nó như một sự thay đổi lớn lao, thành quả của cả gia đình. Dù vẫn còn hơi xa lạ với anh, tôi cũng cảm thấy rất vui. Không hẳn chỉ là do niềm vui của bố mẹ, tôi còn linh cảm thấy đó là một điều tốt lành cho tất cả mọi người. 
      Lần đầu tiên anh chủ động tiếp xúc với tôi qua một bức thư. Tôi không biết anh đặt vào trong cặp tôi từ bao giờ, chỉ biết rằng tôi ngạc nhiên quá đỗi. Lòng đầy hồi hộp, tôi mở phong bì ra và thấy những dòng chữ nghiêng rất đẹp. Tôi đọc mà lòng cảm thấy vui sướng vô cùng. Anh nói anh muốn được trở thành anh trai tôi và mong tôi đồng ý. Tự nhiên tôi cảm thấy anh không còn xa lạ nữa mà đã trở thành người cùng một nhà tự bao giờ. Tôi khao khát có anh chị em từ rất lâu, giờ đây điều đó sắp trở thành hiện thực. Như một món quà cho những gì tôi đã trải qua.
      Tôi đi học về, lòng náo nức như sắp được đi xa. Ngay buổi chiều hôm ấy anh đã nói chuyện với tôi. Tôi không ngờ phong cách của anh lại có sự lôi cuốn đến như vậy. Anh không còn là cậu bé buồn bã im lặng ngày trước, mà trở thành một người hiểu biết sâu rộng, kể chuyện rất hay, lời nói rất có sức thuyết phục. Tôi cảm thấy một cách mơ hồ ở con người anh khát khao chia sẻ tri thức và một bầu nhiệt huyết cháy bùng lên như dung nham chất chứa lâu ngày đã phun ra từ miệng núi lửa. Thi thoảng anh cười, nụ cười ngây ngô như trẻ con. Lúc ấy tôi thấy anh hiền lắm. Tôi cứ chăm chú nhìn vào đôi mắt anh, đôi mắt mà nỗi buồn đã lui chỗ để nhường cho vẻ lanh lợi thông minh, nhưng thỉnh thoảng lại hướng về xa xăm như muốn kiếm tìm điều gì đó. Và tôi ngưỡng mộ anh lúc nào không biết.
      Anh nói rằng nếu tôi muốn biết, anh sẽ dạy tôi vài thứ. Tôi lấy làm tò mò không hiểu anh sẽ dạy mình những gì. Mấy ngày sau, ô tô chuyển đến nhà tôi một chiếc hòm gỗ rất lớn. Đó chính là cái hòm của anh mà anh từ chối không nhận từ lâu vì nó gợi lại những kỉ niệm buồn, nhưng đột nhiên anh lại muốn tìm lại. Thấy tôi đầy vẻ hiếu kì, anh cứ cười tủm tỉm. Rồi dần dần tôi cũng biết cái hòm ấy chứa những gì, vì những thứ ấy lần lượt tiếp xúc với tôi qua sự hướng dẫn của anh. Đầu tiên là những quyển sách. Tôi không ngờ anh lại là người đọc nhiều đến như vậy, gần như đủ tất cả các lĩnh vực. Anh hướng dẫn tôi nên đọc quyển nào trước, đọc như thế nào, để phát triển khía cạnh gì của bản thân mình. Anh nói tôi cần phải nhớ kĩ một điều: không ai chăm chỉ bằng một đứa trẻ ham học hỏi. Tiếp xúc với tri thức bằng cách ấy thì mới mong có kết quả. Ngoài việc chỉ cho tôi môn toán, anh đặc biệt chú ý đến văn học. Theo lời chỉ dẫn của anh, tôi đọc thơ Tago để thấy tình yêu cuộc sống và niềm vui lao động, tôi đọc những tác phẩm văn học cách mạng để thấy những con người bất khuất sống chết cùng quê hương đất nước, thấy trong họ ngọn lửa bùng cháy lí tưởng cao vời vợi. Tôi được tiếp thu tinh thần đáng quý cùng sức sống quật cường của Ruồi Trâu, cảm động trước Những tấm lòng cao cả, khâm phục trước bản lĩnh và kinh nghiệm cuộc sống của Macxim Gorki, thương cảm với bao kiếp người của xã hội xưa và nay trong Những người khốn khổ. Rồi tôi đã khóc trước tình người ấm áp trong Chiếc lá cuối cùng của O Henri, trước tình thầy trò trong Hai cây thông của Aimatop. Tôi cũng cười thú vị và sảng khoái khi hiệp sĩ Don Quihote đánh nhau với cối xay gió, hồi hộp trước cuộc phiêu lưu của chàng Gulivo đến những xứ sở lạ kì hay cuộc hành trình của Bấc đến nơi hoang dã nguyên thuỷ. Văn học đã khơi gợi tôi tìm ra con người thật của mình, biết rung cảm và sẻ chia, thương người tốt và không ưa điều xấu, đồng thời mở ra trong tôi biết bao chân trời mới lạ. Anh giới thiệu sách cho tôi, dạy tôi cách đọc sách, và khi thấy tôi tiếp thu, niềm vui đã ánh lên trong khoé mắt anh. Anh cũng hăng hái chẳng kém gì tôi trong việc “dạy và học” bí mật này. Bố mẹ tôi vui lắm.
      Sau khi tôi lớn hơn một chút, anh hướng tôi đến những tác phẩm kinh điển hơn. Tôi đọc rất nhiều tác phẩm và ngày càng thấy mình có thể hiểu dễ dàng hơn, rồi tôi bắt đầu cảm thấy mình bị lôi cuốn. Những thiên tình sử của thời đại như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, Jên Êrơ hướng tôi đến tình yêu trong sáng và cũng dạy tôi cần thận trọng khi dành tình cảm cho ai đó. Sự ứng xử tốt sẽ đem lại một kết thúc tốt đẹp. Để phát triển trí tưởng tượng, anh cho tôi đọc Nghìn lẻ một đêm, Những câu chuyện thần thoại... làm dấy lên trong tôi khao khát muốn tìm tòi và khám phá ở những miền đất diệu kì, niềm khao khát tưởng chừng chỉ có khi còn thơ dại. Và khi đã sẵn sàng, tôi có thể đọc những tác phẩm phức tạp hơn, ý nghĩa sâu xa hơn và cũng cần ở người đọc một sự tinh tế để hiểu thấu. Anh tặng tôi quyển Đồi gió hú, dặn tôi phải giữ gìn vì đó là kỉ niệm của anh. Cuốn sách rất hay nhưng tôi còn tò mò muốn biết nó gắn với kỉ niệm gì, anh lại chẳng chịu nói. Trong khi tôi say mê đọc sách, anh cũng học tập không ngừng nghỉ. Dường như từ sau hôm ấy anh đã biến thành một con người khác hẳn, hay có lẽ là trở lại là chính mình khi trước.  
      Thi thoảng anh lại dạy tôi chơi violin. Đó là chiếc violin anh lấy trong hòm ra. Tôi không nghĩ rằng anh lại chơi hay đến thế, tiếng nhạc du dương và êm ái chứng tỏ tâm hồn người chơi nhạc phải đẹp biết nhường nào. Tôi hiểu ra rằng sức mạnh của âm nhạc thật lớn lao, nó có thể làm cộng hưởng những tâm hồn đồng điệu, giúp người ta hiểu nhau hơn. Có lẽ tôi không có khiếu chơi violin, nhưng anh nói tôi có khả năng thẩm âm tốt, có thể phù hợp với piano hơn chăng. Tôi thì chẳng tin điều đó, chỉ cần anh chơi đàn cho tôi nghe là được rồi.
      Văn học và âm nhạc đem lại cho tôi một cuộc sống vô cùng phong phú và tươi đẹp. Trí tưởng tượng của tôi được nuôi dưỡng, mắt tôi nhìn thấy những vẻ đẹp bình dị ví như giọt sương làm cong đầu ngọn cỏ  của cuộc sống, tai tôi nghe thấy giá trị của một khúc nhạc nằm ở cái hồn người sáng tác chứ không chỉ là giai điệu hào nhoáng bên ngoài, và tâm hồn tôi biết rung cảm trước sự cao cả của những tâm hồn khác. Người ta đi tìm ý nghĩa cuộc sống ư? Có khi đi đến hết cuộc đời mới nhận ra nó ở rất gần. Như thể hàng bạch dương đung đưa lao xao trước gió mà thuở bé ta thường mơ mình trở thành gấu túi để trèo lên đó. Như thể giấc mơ về cánh buồm đỏ thắm bay qua khung cửa sổ chở ta bay đến những vì sao. Như thể một buổi chiều giản đơn yên ả, nắm tay người ấy đi trên con phố nhỏ, và nụ hôn giữa trời đông giá lạnh. Tôi chỉ muốn thốt lên rằng: Ôi cuộc sống, ta yêu người biết bao.
      Tất cả những thứ đó chẳng phải nhờ có anh sao? Anh chính là người thầy vĩ đại nhất của tôi, người đã đem cho tôi một cách nhìn về cuộc sống thật tinh tế và bao dung. Anh đã đưa tôi đến gần ngưỡng cửa thế giới của những con người thấu hiểu lí do mình tồn tại trên thế giới này.
Thời gian qua đi...
      Anh vẫn say mê những gì thuộc về cổ điển, và cũng truyền một phần nào đó cho tôi. Anh thường nói: “Hoài cổ không hẳn là tốt, nhưng đó là cách để tạo nên nền tảng chuẩn mực cho mình. Người xưa thường nhìn vào cổ nhân không phải không có lí của nó. Anh muốn được như tảng đá giữa dòng, dù nước xiết cũng chẳng hề lay chuyển, dù có bị mài mòn thì tri thức và cốt cách của anh cũng sẽ hoà vào dòng nước ấy lan toả đến mọi ngọn nguồn ”. Những câu nói của anh tôi không hiểu tất cả nhưng vẫn nắm được đại ý. Đôi khi anh nói chuyện cứ như người từ thời xa xưa lắm rồi. Tôi nghĩ có lẽ cú sốc hồi còn nhỏ đã rèn cho anh bản lĩnh và sự trưởng thành trước tuổi. Anh thường chia sẻ với tôi việc truyền cảm hứng cuộc sống chính là nghị lực vô cùng lớn để anh tiếp tục sống và làm việc không ngừng, và anh nghĩ cách tốt nhất để làm điều đó chính là giáo dục. Anh đã quyết định trở thành thầy giáo. Có nhiều người cho rằng anh chọn làm nhà giáo đã lãng phí tài năng của mình, nhưng tôi không thấy vậy. Khi thấy anh làm việc, khi nhìn thấy niềm vui lớn lao được cống hiến để tạo nên những lớp người đẹp về cả trí tuệ và tâm hồn, tôi đã tự nhủ có lẽ đây là ý nghĩa thực sự của cuộc sống chăng? Tâm hồn anh như dòng suối nguồn không bao giờ cạn tuôn chảy đến từng nhánh nhỏ để tưới tắm cho mảnh đất màu mỡ mà những mầm xanh non sẽ mọc lên. Tri thức san sẻ thì đâu có vơi đi, và tâm hồn cũng vậy. Nó chỉ nhân lên gấp bội mà thôi.
      Cuốn sách trên tay tôi vẫn đang mở, và bức thư tôi vẫn đang cầm trên tay. Tôi đọc thật chậm để hiểu những gì anh viết, để hiểu lí do tại sao anh lại không nói trực tiếp với tôi.
Lan Anh,
Có lẽ em sẽ chẳng quá ngạc nhiên khi nhìn thấy bức thư này, tại vì em sẽ hiểu anh làm thế là có lí do. Em đã mười bảy tuổi, đã học hỏi được nhiều điều, suy nghĩ thấu đáo và đủ lớn để biết những điều anh sắp chia sẻ. Anh đã chờ đợi từ rất lâu vì muốn nói với em nhiều thứ, nhưng chỉ sợ làm ảnh hưởng đến tư tưởng của riêng em. Điều đó không tốt chút nào. Nhưng bây giờ anh tin rằng em đã đủ lớn để nghe tất cả. Trước hết hãy lắng nghe câu chuyện của anh.
Hồi còn nhỏ, anh là một đứa trẻ khác biệt có thiên hướng về những giá trị tinh thần. Anh đọc sách từ rất sớm, và cha anh là người hướng dẫn anh tìm hiểu những chân trời ấy. Anh có một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động, khá phong phú vì anh biết cách làm giàu cho nó. Anh ấp ủ một khát khao về cuộc sống giản dị nhưng giàu ý nghĩa, bình yên và tĩnh lặng với người thân bên cạnh, với những bữa cơm tối đầm ấm, với sự sẻ chia những mệt mỏi lo toan đời thường cỏn con và mơ về miền đất diệu kì của tuổi thơ trong giấc ngủ. Chắc em đang cho rằng anh đòi hỏi tham lam quá phải không? Cuộc đời đâu có cho ai nhiều hạnh phúc như thế. Thậm chí nó còn cướp đi gia đình anh một cách tàn nhẫn. Em thấy đấy, ước nguyện của anh nhỏ nhoi như vậy mà còn chẳng thực hiện được. Thoạt đầu anh mất hết niềm tin vào cuộc sống. Công bằng ở đâu khi những người tốt như bố mẹ anh phải ra đi quá sớm? Tại sao những kẻ xấu xa gấp bội thì lại cứ sống mãi? Nhưng rồi anh cũng tự an ủi và động viên mình: cuộc đời còn dài lắm, mình không thể gục ngã được. Anh cố tìm những lí do để sống tiếp. Rồi anh lại bị thêm một cái tát nữa, rất đau, đó là khi anh nhận ra cuộc đời không lí tưởng như mình vẫn nghĩ. Cuộc sống và văn học hoàn toàn khác nhau. Văn học là giá trị của cuộc sống dưới con mắt tác giả chứ không phản ánh được tất cả. Có những con người còn khổ hơn “những người khốn khổ” em đã từng đọc rất nhiều, đó là những kẻ mê muội không biết rằng thế giới còn tồn tại những giá trị tốt đẹp hơn mà chỉ huyênh hoang về những thứ họ có. Vấn đề anh muốn nói là không phải ai cũng được phân phát một chuẩn mực như nhau. Có lẽ em không biết, trước khi đến nhà mình anh đã ở một gia đình khác. Họ không có con nên nhận anh về. Họ đối với anh cũng tốt, nhưng anh không cảm nhận được tình cảm gia đình trong cách đối xử ấy. Anh cảm thấy họ không hiểu và không thể hiểu được suy nghĩ của mình. Lí do họ nhận anh về nuôi là để cho nhà cửa đỡ trống trải, sau này có người phụng dưỡng. Điều đó chẳng có gì là sai trái cả, nhưng với anh lúc ấy thì đó là một sự thật khủng khiếp. Đó không phải là gia đình anh lựa chọn. Anh đã bỏ trốn khỏi căn nhà ấy trong giây phút nông nổi, một việc thật điên rồ nhưng cuối cùng lại gặp được bố. Đó chính là sự may mắn cuộc sống ban tặng cho một kẻ cùng đường như anh. Anh không thể sống với những người ấy - chẳng biết họ nghĩ gì những lúc rảnh rỗi, nhưng anh có thể đoán được : có thể là nghĩ cách kinh doanh kiếm thêm tiền, hoặc tranh chấp với hàng xóm, hay ngồi lê đôi mách chuyện của người khác. Anh mong rằng mình đã quá khắc nghiệt và nghi oan cho họ, hi vọng có lẽ khi ấy họ đang nhớ về cố hương xa xôi mà do bận rộn chưa về thăm được. Phải chăng con người ta đều đánh mất tuổi thơ của mình khi lớn lên? Những ước mơ thuở còn thơ dại, nay đã có thể thực hiện được nhưng lại không còn nữa. Con người ta cứ thả mình theo dòng chảy của số phận, miễn cũng giống như người khác là được. Anh đã hiểu nỗi đau của nhân vật chính khi người bạn hồi nhỏ của anh ta thay đổi theo thời thế trong Cố hương của Lỗ Tấn. Còn gì đau đớn và thất vọng hơn một kẻ đi ngược lại dòng chảy khi mà tất cả bị cuốn trôi, một kẻ không chịu thay đổi, say giữa đời tỉnh hay tỉnh giữa đời say? Kẻ ấy chính là anh, bị giam hãm trong ngục tù của chính bản thân mình, không dám chia sẻ với bất kì ai. Anh những muốn hét lên, muốn phản kháng nhưng cuối cùng đành câm lặng. Ai lại phản kháng lại cuộc đời hả em? Linh tính mách bảo rằng im lặng chờ đợi là con đường đúng đắn, và anh đã chọn con đường ấy. Anh đã im lặng từ rất lâu, đau khổ và gần như tuyệt vọng, chỉ sợ rằng chẳng ai có thể hiểu mình. Khi làm xáo trộn gia đình em, anh đã rất khổ tâm, nhưng bản năng không cho phép anh bộc lộ bản thân như trước. Nếu cuộc sống làm anh thất vọng thêm lần nữa, anh sẽ rời bỏ nó. Và rồi Thượng Đế, như nghe được lời cầu khẩn của anh và không muốn những người lương thiện đau khổ hơn nữa, Người đã cho anh được gặp em. Và em đã cho anh mục đích đầu tiên: bù đắp lại tổn thất tinh thần mình vô tình gây ra cho một đứa trẻ mà đáng lẽ phải được hưởng sự ngọt ngào của tình yêu thương. Em đã trở thành em gái của anh một cách thật tự nhiên như tạo hoá sắp đặt. Anh đã dạy em tất cả những giá trị mà anh đã biết, những kiến thức mà anh đã học. Đừng hiểu lầm anh làm thế vì trả nợ em, quả thực anh yêu quý em từ tận đáy lòng. Em không thể hình dung nổi em đã trao cho anh những thứ có giá trị như thế nào đâu! Chính em, người đã khơi gợi trong anh khao khát truyền đạt và sẻ chia tri thức. Mới gặp em anh đã có cảm giác em cũng giống như anh, có một tâm hồn biết yêu thương và xúc cảm mãnh liệt. Em đã cho anh thấy mình cần phải làm gì để nâng niu và gìn giữ một tâm hồn như thế. Kết quả là anh đã nâng niu tâm hồn của cả hai chúng ta, và anh thề rằng sẽ không bao giờ để nó vấy bẩn. Có nhiều nguyên nhân khiến nó có thể bị huỷ hoại, nhưng anh sẽ không bao giờ cho cuộc sống này cơ hội một lần nữa làm điều ấy. Anh dạy em những điều trước đây hoàn toàn không phải để em hình tượng hoá cuộc sống, mà chỉ để em biết những giá trị đích thực của nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, thế nên đừng bao giờ mất hết hi vọng. Anh chính là dẫn chứng chân thực nhất. Em đã giúp anh tìm thấy lí do mình được sinh ra, đó là cống hiến cho giáo dục và trở thành một nhà giáo. Làm gì có được một hạnh phúc như anh nói ban đầu nếu không phải trả giá, khoảnh khắc bình yên và tĩnh lặng nhất lại nằm trong những giờ phút miệt mài lao động không ngừng. Sự tĩnh lặng là một dòng chảy êm đềm mà ta có thể điều khiển và tận hưởng, chứ không phải là một mặt hồ phẳng lặng nhưng thực ra chỉ là vũng nước tù đọng mà thôi.
Hãy nghe anh, Lan Anh ạ, em là một người có tố chất để trở thành một nhà giáo chân chính. Em có đủ sự dịu dàng và lòng kiên nhẫn để truyền đạt tri thức cho đứa học trò khó bảo nhất, em có đủ sự cao thượng và vị tha để chống chọi lại cái tiêu cực luôn hiện hữu của cuộc sống này, em có đủ tri thức cùng một tâm hồn phong phú để tuôn chảy dạt dào làm tươi tốt những mầm non. Hơn nữa, em còn có anh bên cạnh. Hãy suy nghĩ đi. Một năm nữa thôi em sẽ phải lựa chọn rồi. Hãy cùng anh hoàn thành nhiệm vụ cao cả này. Chẳng phải đây chính là lí do mà tạo hoá cho một kẻ khốn cùng như anh gặp được gia đình mình hay sao? Em là người học trò, và cũng chính là người thầy mà anh may mắn được gặp. Suy nghĩ cho kĩ rồi hãy nói chuyện với anh.”
      Tôi đã hiểu ra tất cả. Có lẽ đây mới là kết thúc cuối cùng của câu chuyện cổ tích. Anh bắt tôi phải lựa chọn vào lúc này sao, khi mà tôi mới mười bảy tuổi, với bao nhiêu ước mơ trước mắt. Đột nhiên tôi thấy thân cây trước sân đã đứng thẳng trở lại, có lẽ gió rít đã bớt đi. Trời đã ấm lên chăng? Mà dù trời lạnh thì cũng hề gì? Chẳng phải tôi còn có áo khoác đó sao? Trong phút chốc, tôi dường như đã hiểu cái gì thôi thúc mình lao ra ngoài trời khi hãy còn giông bão.
Tôi chợt nhớ về câu danh ngôn: “Mọi vĩ nhân đều như mặt trời toả ánh sáng rực rỡ lên nhân loại, nhưng người thầy, như những tia sáng khiêm nhường mới biết cách vươn tới những ngóc ngách tối tăm nhất và nâng niu những tâm hồn cao đẹp”.

Phạm Thanh Tuấn
20/11/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét