Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

" Vô đề..." Lấy mây lẩy trăng, lấy lá rung để mơ gió về...

" Vô đề..." Lấy mây lẩy trăng, lấy lá rung để mơ gió về...
11:58 29 thg 4 2011Công khai4 Lượt xem 15
Vô đề...
Thơ An Thảo

Có nghe nắng ngả màu dưa khú
Óng ả tằm tơ chuyển võ vàng
Có nghe đôi phút miền hoang hoải
Lạc tới miền ta hay ta sang
Ừ thì đầy rỗng trong trời đất
Lúc đi lúc đến rất mơ hồ
Ừ thì có thể không đợi nữa
Nhện buồn đã cạn sức giăng mơ
Ừ thì có thể, ừ có thể
Mai ta lại vững dạ ngóng chờ
Ừ thì có thể, ừ có thể
Sớm kia nắng lại óng sắc tơ...

Ảnh của chị Tạ Thu Yên

Lời bình:


    Trong thơ ca, “nắng” xuất hiện khá nhiều với sắc màu, âm thanh, dáng vẻ và cả tâm hồn qua các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá...Nắng thường gợi nên nét trong trẻo, vui tươi và hi vọng. Nắng được miêu tả với các sắc màu lung linh rực rỡ như :nắng ửng, nắng tía, nắng vàng, nắng xanh, nắng hường, nắng hồng, nắng đỏ, nắng pha lê...Nắng mênh mông hào phóng, nắng tan chảy lấp lóa, lung linh, nắng tinh nghịch, nắng vô tư...
    Thế mà trong thơ An Thảo nắng cũng biết buồn hay sự trống rỗng hoang hoải của người thơ được ẩn dụ qua màu nắng" nắng ngả màu dưa khú".Nắng đồng cảm với người thơ hay nỗi buồn trĩu nặng khiến thiên nhiên cũng có hình hài" chuyển võ vàng". Từng con chữ cứ nối nhau trôi khiến người ta miên man, người ta cảm thấy như chính mình đang ở trong không gian thấm đẫm màu cảm xúc, người đọc chợt giật mình:" màu dưa khú" là cái màu gì vậy? Hình như nó không chỉ gợi tả màu sắc mà còn là mùi, là vị gây cho  người ta cảm giác bứt rứt, khó chịu... không, không hẳn thế mà cái cảm giác khó gọi thành tên. " Nắng ngả màu dưa khú" một sự biểu hiện cảm xúc thật tinh tế, vừa lạ lẫm, vừa gần gũi.Nắng vui tươi là thế, nắng lung linh là thế mà trong hồn người, trong mắt người nắng hiện lên với "màu dưa khú". Nhìn đấy, mà nghe lòng lên tiếng, sự giao hòa đồng cảm làm cho nắng cũng nhuốm buồn.
  Nhìn đấy, nghe đấy mà dường như chẳng thấy, trống rỗng, hoải hoang khiến cho cảnh vật dường như cảnh vật cũng đang mỏi mòn như không còn sức sống.
     Bằng những câu hỏi không dùng để hỏi, nhân vật trữ tình trong thơ cứ miên man đi trong dòng cảm xúc:" Có nghe đôi phút miền hoang hoải/ Lạc tới miền ta hay ta sang...", chẳng biết tự hỏi mình hay kiếm tìm sự xẻ chia, đồng vọng. Chẳng biết rằng tự lòng mình hoang hoải hay cảm xúc đã khiến lòng trống rỗng. Giá như chỉ là đau, giá như chỉ có thể là bệnh thì người ta có thể uống thuốc hay chữa trị nhưng với trạng thái không tên mơ hồ này sự vùng vẫy không lối thoát khiến niềm đau cũng hóa bão hòa. Giá như có thể tìm được lý do, giá như biết được chính bản thân mình chi phối xúc cảm hay mình bị xúc cảm dắt đi... thì có lẽ mình đã tìm ra cách để nương theo quy luật mà thoát ra khỏi trạng huống này.
     Ừ thì "đầy", "rỗng" cũng tự nhiên như trời đất, buồn vui cũng chỉ là trải nghiệm mà sao ta cứ đau đáu nỗi niềm. Vẫn biết rằng, trong cuộc đời ai cũng phải gặp những điều không như ý nhưng sự ngóng đợi, hi vọng mơ hồ cứ làm cho tâm hồn nhạy cảm bị kiệt sức.
    " Ừ thì..."  không hi vọng nữa, ừ thì không" giăng mơ" nữa ta thả lỏng mình để đạt tới một miền xúc cảm mới có thể chấp nhận những điều bất ý trong cuộc đời để ta có thể sống an nhiên, tự tại để cho "ta lại vững dạ ngóng chờ",
những trải nghiệm đôi khi khiến người ta trưởng thành hơn để cho "nắng lại óng sắc tơ".
     Điệp từ :"Ừ thì..." được nhắc đi nhắc lại như một sự cưỡng bức cảm xúc, sự tự vấn nội tâm khiến cho người thơ chìm trong nỗi buồn thăm thẳm. "Ừ thì..." khiến người đọc chỉ có thể im lặng, thấm đẫm sẻ chia và đồng vọng. Và người đọc  thầm mong "nắng lại óng sắc tơ" trong mắt người thơ.
     Lấy mây để lẩy trăng, lấy lá rung để mơ gió về tứ thơ chỉ có một từ thôi mà người đọc đã được thưởng thức cả một bài thơ ảo diệu.
Không phải buồn bởi trạng huống này còn hơn nỗi buồn thăm thẳm, không phải đau bởi niềm đau đã bão hòa, trống rỗng hoang hoải vào trong thơ một cách tự nhiên, "Vô đề..." của tác giả An Thảo khiến cho mỗi người, trong một thời khắc nào đấy được thấy mình trong đó. "Vô đề..." đã nói hộ nỗi niềm không chỉ riêng ai.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét